Mua bán nợ là bước khởi đầu lành mạnh hóa thị trường tài chính

Mua bán nợ là bước khởi đầu lành mạnh hóa thị trường tài chính

Bốn ngân hàng đã bán thành công nợ xấu cho Công ty Quản lý nợ quốc gia (VAMC) ngay sau khi công ty này hoàn thiện các quy định hoạt động. Điều đó khẳng định quyết tâm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu này đang được triển khai đúng hướng.

Khởi đầu thuận lợi

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC cho biết, Công ty đã có những bước khởi đầu thuận lợi khi có tới gần 10 tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động liên hệ để đề nghị hợp tác. Thời gian đầu có sự e ngại khi các tổ chức tín dụng chưa hiểu rõ quy định và cơ chế mua bán nợ. Họ không rõ khi bán nợ sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thế nào, rồi bán nợ xong thì được vay tái cấp vốn với tỷ lệ bao nhiêu, việc bán nợ đó ảnh hưởng thế nào tới tình hình tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi đã có hướng dẫn cụ thể, đến nay, nhiều TCTD đã liên hệ và đăng ký bán nợ. Theo hướng dẫn của VAMC, các TCTD đã cung cấp đầy đủ hồ sơ các khoản nợ đề xuất bán trong thời gian đầu và sẵn sàng chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo, không chỉ để bán nợ xấu, mà cùng VAMC thực hiện các công tác cơ cấu nợ để ổn định hoạt động và vượt qua khó khăn.

Đến nay, đã có 4 ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC và cơ quan này đã phát hành trái phiếu trị giá tổng cộng 2.550 tỷ đồng cho 4 ngân hàng đó. Khởi đầu việc bán nợ cho VAMC là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với số nợ xấu trị giá hơn 1.700 tỷ đồng. Tiếp đó là 3 ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB), Xăng dầu (PGBank) và Sài Gòn (SCB) đã bán cho VAMC tổng cộng 850 tỷ đồng nợ xấu.

Tín hiệu tích cực cho thấy, cơ chế mua bán nợ xấu qua VAMC đã được các TCTD đánh giá như là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước và là một cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tài sản, cải thiện tỷ lệ an toàn của từng TCTD. Mặt khác, qua đó góp phần tích cực nâng cao khả năng mở rộng tín dụng cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có khó khăn tạm thời và phương án kinh doanh mới khả thi.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc VMAC mua lại nợ xấu của các TCTD trong thời điểm này là giải pháp đúng đắn để “cứu” các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn và chịu sức ép từ nợ xấu. Với trái phiếu đặc biệt từ VAMC, các ngân hàng sẽ được tái cấp vốn, phối hợp trích lập dự phòng cho VAMC để xử lý nợ. Đây được coi là cơ hội quý để các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, làm sạch nợ và củng cố lại hệ thống tài chính của mình.

Phối hợp chặt để xử lý

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này và VAMC đã trao đổi, giải thích cụ thể với các TCTD từng nội dung trong quy định mua bán xử lý nợ xấu, đồng thời có những chỉ dẫn chi tiết trong việc chuẩn bị hồ sơ mua bán nợ với VAMC. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu VAMC và các TCTD phối hợp chặt chẽ để xử lý nợ xấu.

Cụ thể, theo lãnh đạo VAMC, sau khi bán nợ ngân hàng có cơ hội cơ cấu lại để đảm bảo hoạt động an toàn. Ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt vay vốn của Ngân hàng Nhà nước tối đa 70% để đảm bảo nguồn vốn cho vay tới doanh nghiệp. Khi nợ xấu giảm, trong điều kiện trích dự phòng rủi ro tối thiểu chỉ 20%/năm sẽ giúp họ đạt chuẩn nợ xấu theo quy định, nâng được uy tín trong và ngoài nước.

Khi bán nợ xấu cho VAMC, TCTD được sử dụng trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn ở Ngân hàng nhà nước. Thêm nữa, việc bán nợ xấu cũng còn là cơ hội để các TCTD cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại chính mình để từng bước ổn định hoạt động. Còn đối với doanh nghiệp sau khi bán nợ cũng được lợi là tái cơ cấu, có khả năng trả nợ, được xem xét miễn giảm lãi. Tài sản đảm bảo của khách hàng không phải bán rẻ nên họ và ngân hàng đều được lợi.

Đại diện VAMC cũng nhìn nhận, mua bán nợ chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hợp tác nhiều năm giữa VAMC và các TCTD. Mục tiêu hướng tới ở những giai đoạn sau là hoạt động cơ cấu lại nợ để lành mạnh hóa tài chính tại các TCTD, các công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn tại các TCTD để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình đó, VAMC kỳ vọng, với sự hỗ trợ của các TCTD, các cơ quan, ban ngành liên quan, VAMC sẽ nhanh chóng đóng góp quan trọng trong việc xử lý nhanh nợ xấu và là nhân tố tích cực đóng góp vào quá trình phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo ra tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam mới đây cũng nhận định, việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.

Lãnh đạo VAMC cũng nhìn nhận, mục tiêu xử lý được tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013 là một thách thức. Để hoàn thành mục tiêu này cần có sự phối hợp tích cực giữa VAMC và các TCTD trong các công tác chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ bán nợ cũng như triển khai các công việc liên quan đến mua nợ.

Đỗ Huyền

hải quan