"Bác sĩ" VAMC biết chọn "bệnh nhân" nào?

"Bác sĩ" VAMC biết chọn "bệnh nhân" nào?

Không phủ nhận những đánh giá, nhận định tích cực của nhiều đại biểu Quốc hội về việc xử lý nợ xấu trước đó, song đăng đàn phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng ví von: “Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chẳng khác nào một bác sỹ có quá nhiều bệnh nhân”.

Ngụ ý của vị đại diện cho cử tri Thái Nguyên muốn nói rằng, dù VAMC có cố gắng đến mấy, nhưng tiềm lực có hạn, nhân lực có hạn cũng khó có thể làm sạch toàn bộ khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ĐBQH Hà Nội, Phạm Huy Hùng

Công ty VAMC (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) chính thức hoạt động từ tháng 7/2013 với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận.

“Dự kiến trong quý 4 này, VAMC sẽ xử lý được khoảng 35 - 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu. VAMC là “điểm nhấn” trong xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và của từng tổ chức tín dụng tốc độ tăng nợ xấu đã giảm xuống chỉ còn 4,64% vào thời điểm cuối tháng 8/2013”, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, Đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Phạm Huy Hùng cho biết.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietinbank, nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu, cộng với chính sách tiền tệ phù hợp với kinh tế vĩ mô và diễn biến của lạm phát, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh, nhưng nguồn vốn huy động tiền gửi của dân cư vẫn tăng với kỳ hạn dài hơn.

Cụ thể, tính đến 30/9/2013 tiền gửi VNĐ của dân cư tăng 13,16% so với cuối năm 2012 trong khi lai suất huy động đã giảm xuống chỉ còn 7-10% (giảm 2-3%), lãi suất cho vay còn 9-12% (giảm 3-5%) so với cuối năm 2012.

Tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện là sự thành công trong điều hành chính sách lãi suất trong thời gian vừa qua.

“Nếu như trươc đây, tín dụng tăng trưởng nóng, với điều kiện tín dụng được nới lỏng là một trong những nguyên nhân gây nên nợ xấu và lạm phát tăng cao trong giai đoạn 2007-2010, thì đến năm 2012 tăng trưởng tín dụng bắt đầu được cải thiện về chất lượng cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm từ mức 33% trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 14,15% trong năm 2011 và 8,8% vào năm 2012”, Chủ tịch HĐQT Vietinbak phát biểu.

Vẫn theo ông Phạm Huy Hùng, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cơ bản sắp xếp xong 9 ngân hàng cổ phần yếu kém; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và đảm bảo an toàn...

Tuy nhiên, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng lại không có cái nhìn quá lạc quan về nợ xấu, bởi theo ông, trên thực tế, đến nay mới có 5 ngân hàng giảm được đáng kể tỷ lệ nợ xấu, trong khi đó có rất nhiều ngân hàng có tốc độ tăng nợ xấu cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa triệt để, do mới chỉ lo đầu vào (mua nợ xấu) mà chưa biết đầu ra (bán nợ) sẽ xử lý ra sao.

Trích dẫn báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao được trình Quốc hội vào đầu tuần, ông Đỗ Mạnh Hùng khẳng định, nợ xấu trên thực tế còn rất nhiều và có nguy cơ gia tăng.

“Báo cáo của Viện kiểm sát và Tòa án cho thấy, hiện còn khá nhiều “vụ án đình đám” trong lĩnh vực ngân hàng chưa được xử (vụ bầu Kiên, vụ Huỳnh thị Huyền Như…) chiếm đoạt, gây thất thoát cho ngành ngân hàng hàng chục ngàn tỷ đồng, tất cả đều là nợ xấu, thậm chí là nợ rất xấu. Nếu không quản lý chặt chẽ rất có thể sẽ phát sinh nhiều vụ án tham ô, chiếm dụng, cho vay theo quy định, gây thất thoát cho ngành ngân hàng tiếp tục nảy sinh. Hậu quả là nợ xấu tiếp tục phát sinh”, ông Đỗ Mạnh Hùng cảnh báo.

“Tính đến thời điểm này, nợ xấu (theo báo cáo chính thức) vẫn còn trên 142 ngàn tỷ đồng. Để xử lý khối nợ này là sự thách thức rất lớn đối với hệ thống ngân hàng và VAMC”, Đại biểu Nguyễn Cao Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, Đại biểu Hà Sỹ Đồng băn khoăn con số 9 ngân hàng cổ phần yếu kém, có khối lượng nợ xấu khổng lồ được Ngân hàng Nhà nước coi là “tội đồ” chính gây bất ổn hệ thống đang được tái cơ cấu.

Theo ông Đồng, muốn tái cơ cấu, trước hết phải có đợt “kiểm tra lại sức khỏe tổng thể” tức là đánh giá lại chất lượng tài sản của từng ngân hàng một cách thực chất, xem nợ xấu cụ thể là bao nhiêu, nếu các nhà đầu tư không muốn tham gia tái cơ cấu thì phải tính đến phương án giải thể chứ không chỉ dựa vào VAMC để xử lý nợ xấu.

“Không nên tái cơ cấu, xử lý nợ xấu chỉ qua một kênh duy nhất là VAMC một cách tình thế và “kiên cường” như hiện nay. Cách làm này dễ tạo ra nợ ảo, bởi nợ xấu thực chất vẫn còn, nó chỉ chuyển từ ngân hàng sang VAMC mà thôi”, ông Đồng nói.

Hàn Tín

đầu tư