Doanh nghiệp thủy sản “bán con” gọi vốn ngoại

Doanh nghiệp thủy sản “bán con” gọi vốn ngoại

80% các nhà máy chế biến thủy sản đang phải chạy dưới 50% công suất. Và cách thức huy động vốn ngoại thông qua việc chuyển nhượng công ty con và phát hành thêm cổ phiếu chính là trợ lực hữu hiệu để các DN thoát ra khỏi khó khăn thời điểm này.

Việc phát hành thêm cổ phiếu và chuyển nhượng công ty con để thu hút vốn FDI của các DN ngành thủy sản đang được đánh giá là hướng đi khả quan. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là hoạt động khá mạo hiểm.

Agifish đang tích cực phát hành thêm cổ phiếu và chuyển nhượng công ty con cho đối tác nước ngoài

Bán để tồn tại

Đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) quyết định nâng mức vốn điều lệ cho “đứa con” là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang (MPHG) thêm 266,6 tỷ đồng bằng cách chào bán riêng lẻ cổ phiếu mới cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, với mức vốn điều lệ mới lên tới 866,6 tỷ đồng, nguồn vốn của MPHG sẽ vượt so với công ty mẹ khoảng 66,67 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất từ MPC cho biết, đến thời điểm đầu tháng 11 này, DN đã bán thành công 30% số cổ phiếu phát hành thêm cho Công ty Mitsui & Co (Nhật Bản). Với việc mua hơn 26,6 triệu cổ phần này, đối tác Nhật Bản sẽ sở hữu khoảng 30,8% (tương đương 400 tỷ đồng). Trong khi đó tỷ lệ sở hữu của MPC trong MPHG là 67,5%.

Hai “đại gia” khác của ngành thủy sản cũng đang tích cực tăng vốn bằng việc phát hành thêm cổ phiếu và chuyển nhượng công ty con cho đối tác nước ngoài là CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP XNK Thủy sản An Giang (Agifish).

Theo thông báo của HVG, trong tuần đầu của tháng 10, DN này đã đạt được thỏa thuận bán 30 triệu cổ phiếu cho một đối tác Singapore với giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG cho hay rằng với việc phát hành thêm cổ phiếu và nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng, phần thặng dư DN có được sẽ vào khoảng 600 tỷ đồng.

Trong khi đó, Agifish mới đây đã ra thông báo phát hành thêm gần 12,7 triệu cổ phiếu và quyết định tìm đối tác phù hợp để chuyển nhượng 100% cổ phần của công ty con là Công ty M&T Seafood’s Corp (trụ sở tại Hoa Kỳ) trong quý IV/2013.

Có thể thấy, hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại các DN thủy sản lớn đang diễn ra là một trong những hoạt động “tự cứu”, đặt trong bối cảnh hiện nay, sẽ mang lại hiệu quả tức thời cho các DN trong nước. Bởi, hiện nay, hầu hết các DN đều gặp khó khăn lớn về nguyên liệu chế biến do lượng cá tra trong dân chỉ còn khoảng 700 triệu con (tương đương 500.000 – 600.000 tấn phile) cho tất cả các thị trường xuất khẩu (XK) từ nay đến cuối năm 2013.

Thiếu nguyên liệu chế biến, buộc các nhà máy tiết giảm công suất. Thống kê của Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, 80% các nhà máy chế biến thủy sản đang phải chạy dưới 50% công suất. Chính điều này, buộc các công ty lớn phải tính cách huy động thêm nguồn vốn để tái đầu tư vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Và cách thức huy động vốn ngoại thông qua việc chuyển nhượng công ty con và phát hành thêm cổ phiếu chính là trợ lực hữu hiệu để các DN thoát ra khỏi khó khăn thời điểm này.

Sợ khối ngoại thâu tóm

Theo phân tích của một số chuyên gia ngành thủy sản, do hiện nay hầu hết các công ty thủy sản đều làm hàng xuất khẩu và sản xuất, đóng gói sản phẩm theo thương hiệu của nhà nhập khẩu nên việc chuyển nhượng cổ phần cho DN FDI không ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu sản phẩm. Thêm vào đó, nếu có sự tham gia góp vốn từ các DN nước ngoài thì cơ hội để DN trong nước đổi mới trang thiết bị, nâng cao trình độ quản trị sẽ nhiều hơn, giảm tránh được các nguy cơ bị chèn ép trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep, thì cho rằng, một khi quyết định chuyển nhượng cổ phần cho các DN nước ngoài thì các công ty cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát vốn. Vì nếu để nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm được lượng cổ phiếu lớn, đủ sức chi phối trong điều hành, sẽ ảnh hưởng đến tính chủ động của công ty.

Thực tế cũng đã có những trường hợp như vậy. Ở ngành thức ăn chăn nuôi, sau vài năm thu hút vốn, các tập đoàn nước ngoài lớn như CP, Cargill đã chi phối được thị trường nội địa. Không những thế, một số DN FDI như CTCP, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam còn mở rộng lĩnh vực sang sản xuất tôm giống, cá tra giống, đồng thời đầu tư nhà máy chế biến lớn để khép kín quy trình từ nuôi trồng đến XK sản phẩm. Vì vậy, việc nguy cơ bị DN FDI thâu tóm và chi phối từ nuôi trồng đến chế biến – và tất nhiên, cả khách hàng, là hoàn toàn có tính thực tế và cần cảnh báo.

Trong khi đó, đứng ở góc độ hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích DN, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, với lợi thế về sản phẩm và thị trường, nhiều DN chế biến XK thủy sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu nhà cung cấp có uy tín lớn trên thế giới. Trong khi đó, hầu hết các DN đều phải vay vốn từ ngân hàng để hoạt động.

Nếu chỉ vì thiếu vốn đầu tư cho nguyên liệu mà các DN hướng đến việc gọi vốn bên ngoài, thì các ngân hàng hoàn toàn có thể tính đến phương án ngồi lại với DN, để bàn xem khả năng có thể mua lại nợ hoặc phối hợp đầu tư phát triển DN hay không?

Thực tế thời gian qua, đã có một số ngân hàng dám “đổi nợ xấu lấy cổ phần” để tái cơ cấu một số DN thủy sản kinh doanh không hiệu quả. “Những DN đứng bên bờ vực phá sản các ngân hàng còn có thể bỏ vốn vào giải cứu thì những công ty lớn đang “làm nên ăn ra” tại sao mình không tính đến việc góp vốn. Nếu mở cửa cho DN ngoại nhảy vào thì họ sẽ bỏ vốn ngay vì chỉ một thời gian là có lợi nhuận” - ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, bên cạnh ngành Ngân hàng, chính quyền các địa phương cũng như Chính phủ nên xem xét các yếu tố khách quan để có những giải pháp hỗ trợ DN thủy sản. Theo đó, hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách và vốn của ngân hàng – DN phối kết hợp nhằm tạo ra được các mô hình hợp tác công tư, vừa giúp DN phát triển vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích ngành hàng, tạo thêm giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất - XK mặt hàng thủy sản.

Thạch Bình

Thời báo ngân hàng