Nợ đầm đìa, doanh nghiệp phát hành thêm để cấn trừ công nợ

Nợ đầm đìa, doanh nghiệp phát hành thêm để cấn trừ công nợ

Lẽ thường, doanh nghiệp phát hành thêm để huy động vốn cho mục đích đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm giảm bớt vay nợ từ nhà băng. Nhưng khi tình hình kinh tế trở nên quá khó khăn thì “trào lưu” phát hành thêm để cấn trừ công nợ đã không còn xa lạ. Đặc biệt, vấn đề này lại rơi vào những doanh nghiệp rất “có tiếng” như KBC, ITA, HQC, HT1, MLG

ITA là doanh nghiệp liên tục phát hành thêm trong nhiều năm dưới nhiều hình thức như cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng. Và đầu năm 2013, ITA còn mở đầu hình thức phát hành thêm để cấn trừ hơn 1,156 tỷ đồng công nợ với số lượng cổ phiếu lên gần 116 triệu cp. Tuy nhiên, danh sách đơn vị được ITA cấn trừ công nợ đều có liên quan đến doanh nghiệp này như CTCP Đại học Tân Tạo, CTCP Delta miền Nam, CTCP Truyền thông Giải trí và Sản xuất Media Ban Mai và Quỹ ITA Vì tương lai.

Bởi thế mà tại ngày 30/06/2013, con số nợ phải trả của ITA giảm gần 1,000 tỷ đồng xuống còn 3,062 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2012. Hoạt động kinh doanh của ITA vẫn lẹt đẹt với lợi nhuận chưa tới 2 con số, không xứng với tầm vóc vốn điều lệ 6,190 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Cũng là doanh nghiệp thuộc nhà họ Đặng, trong tháng 9 vừa qua, KBC của ông Đặng Thành Tâm đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành tới 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 10,000 tỷ đồng để cấn trừ công nợ và bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Tuy nhiên những đơn vị được cấn trừ công nợ vẫn chưa được doanh nghiệp này công bố.

Nhìn lại báo cáo tài chính gần đây nhất của KBC để thấy rằng việc phát hành đó là điều dễ hiểu trước áp lực nợ vay lớn. Tính đến 30/06/2013, nợ phải trả tới mức 7,172 tỷ đồng, tăng 228 tỷ so với cuối năm 2012 và chiếm 60% tổng tài sản của công ty. Trong đó, nợ ngắn hạn gần 3,367 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn gần 4,000 tỷ đồng. Đa số khoản vay ngân hàng của KBC đều có lãi suất từ 15-18%/năm. Trong khi đó hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ từ quý 2/2012 tới nay.

Đang nằm trong kế hoạch, hồi tháng 8, ĐHĐCĐ bất thường của HT1 đã thống nhất phương án phát hành 120 triệu cp để tất toán và cấn trừ nợ dài hạn cho Vicem. Dự kiến sau đợt phát hành này thì Vicem sẽ tăng nắm giữ HT1 từ 67.38% lên mức 79.69%.

So với ITA và KBC, con số 120 triệu cp phát hành của HT1 không thấm tháp là bao so với khoản nợ phải trả tính đến cuối tháng 9 “khủng” 11,140 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay với 9,731 tỷ đồng. Còn lợi nhuận chưa phân phối âm 66 tỷ đồng, tiền mặt cũng “thảm” với 301 triệu đồng.

Cũng nằm trong top phát hành lượng lớn cổ phiếu, MLG khiến cổ đông bất ngờ khi đề xuất phát hành 100 triệu cp cho đối tác chiến lược để thanh toán nợ vay ngắn hạn và dùng cho đầu tư phát triển. Hoạt động kinh doanh của MLG những năm gần đây khá “xập xìu” với năm lãi nhẹ, năm lỗ lớn khiến lợi nhuận chưa phân phối bị âm 122.8 tỷ đồng và con số nợ phải trả tới cuối tháng 6 đã ở mức 2,182 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 707 tỷ đồng. Ngoài vay ngân hàng thì khoản vay các đối tượng khác của MLG còn lớn hơn rất nhiều, tổng nợ vay các đối tượng này là 840 tỷ đồng đều với mức lãi suất bình quân từ 14-18%/năm.

Nhằm cấn trừ nợ và chuyển một phần nghĩa vụ trả nợ, HQC lại phát hành 18 triệu cp cho 2 công ty liên kết là CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông và CTCP Việt Kiến trúc. Đến cuối tháng 9, nợ phải trả của HQC vẫn ở mức 1,298 tỷ đồng, tuy nhiên nợ vay không cao, ngắn hạn 112 tỷ đồng và dài hạn 117 tỷ đồng.

Ngoài ra, dù nhỏ nhưng CMI cũng sẽ phát hành riêng lẻ 2.57 tỷ đồng để cấn trừ công nợ khi nợ phải trả đến 30/09/2013 là 124 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản. Lợi nhuận chưa phân phối lại âm 11 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán kém thanh khoản và thiếu tăng trưởng khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn, chuyển qua kênh vay nợ cũng chẳng dễ dàng trước áp lực lãi vay còn hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế không mấy hỗ trợ. Nợ chồng nợ, doanh nghiệp lại tìm về con đường phát hành… nhưng mục tiêu nay đã khác: Có tiền trả nợ! Nghĩa là “trăm dâu lại đổ đầu… cổ đông hiện hữu”. Đa số các phương án này đang nằm trên bản kế hoạch và liệu có thành công hay không vẫn là câu hỏi.

Theo ThS Hồ Bá Tình – Chuyên gia kinh tế độc lập, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc cổ đồng chiến lược để trả nợ cũng tương tự như phát hành cổ phiếu tăng vốn bình thường nhưng mục đích thay vì dành để đầu tư mở rộng lại là để trả nợ. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang khó khăn về mặt tài chính và buộc phải tái cấu trúc. Xác suất thành công trường hợp này rất khó đoán vì tùy thuộc trường hợp cụ thể.

Còn trường hợp doanh nghiệp phải phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ cho ngân hàng thì đây tương tự như một hình thức xử lý nợ xấu bằng cách chuyển đổi vốn cho doanh nghiệp vay không thể trả được thành vốn cổ phần. Như vậy, theo ông Tình, nợ xấu của ngân hàng cũng đã biến mất khỏi ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm bớt áp lực nợ. Việc phát hành này ảnh hưởng tích cực đến cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Tình cũng lưu ý rằng, ngân hàng và doanh nghiệp không thể lạm dụng cách này bởi ngân hàng bị giới hạn về quy định tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu. Hơn nữa, việc đổi nợ lấy cổ phần cũng chưa chắc đã mang lại lợi ích tốt nhất cho ngân hàng bởi vì giá quy đổi thường cao hơn giá cổ phiếu trên thị trường. Việc đợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, cổ phiếu tăng giá rồi thoái vốn sẽ mất rất nhiều thời gian.

“Do vậy, chỉ có trường hợp bất khả kháng thì ngân hàng mới chấp nhận phương án này. Thông thường khi công bố việc phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ thì doanh nghiệp đã đàm phán với ngân hàng và những trường hợp này thì xác xuất thành công rất cao” – ông Tình nhấn mạnh.

Thanh Nụ

công lý