Ngân hàng Nhà nước: ATM nhả tiền rách chỉ là cá biệt

Ngân hàng Nhà nước: ATM nhả tiền rách chỉ là cá biệt

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng ATM nhả tiền mất góc, hỏng nếu có chỉ là sơ suất hy hữu.

Trả lời VnExpress.net về việc nhiều trường hợp phản ánh bị ATM trả tiền rách, nát khi giao dịch, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định đây chỉ là trường hợp cá biệt. "Thông thường máy ATM chủ yếu nhả ra tiền mới và lượng tiền mới phát hành ra chúng tôi cũng ưu tiên tiếp cho ATM đầu tiên. Có chăng trong cuộc đời chắc chắn phải xảy ra những sơ suất gặp một, hai đồng tiền cũ. Hoặc khi máy chạy, cà làm xước đồng tiền", ông Đào Minh Tú giải thích.

Cho rằng không có lý do gì các ngân hàng lại đưa vào trong máy lượng tiền cũ, rách nát nên Phó Thống đốc mong người dân không coi đây là tình trạng phổ biến, thường xuyên xảy ra.

Trước đó, nhiều độc giả của VnExpress.net phản ánh ATM nhả tiền rách, mất góc, hỏng... khi rút tiền và gây tốn kém công sức, kể cả phí khi đi đổi lại tiền bởi rất khó chứng minh với nhà băng đây là đồng tiền rút từ ATM.

Chưa có ngân hàng nào xin tăng phí ATM năm 2014

Vụ phó Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Nghiêm Thanh Sơn cho biết, đến nay chưa nhận được đề nghị của nhà băng nào về việc tăng phí ATM trong năm 2014.

Ông Sơn cũng cho biết mặc dù được phép thu phí từ 1/4/2013 nhưng đến nay chri có 10/46 ngân hàng tiến hành tính phí ATM nội mạng.

Trên thực tế, để bớt bất tiện cho người dân, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 20/1/2014, người dân sẽ không phải mất phí tối đa 4% như trước đây khi đổi tiền rách nát, thủng, cháy, bị biến dạng... tại ngân hàng. (xem thêm quy định đổi tiền không mất phí)

Để giảm tải áp lực cho các máy ATM sát và trong Tết, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các phương án phục vụ nhu cầu của người dân. Hằng năm, sát Tết, cảnh công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp xếp hàng dài, thậm chí thâu đêm để rút tiền vẫn thường tái diễn. Để khắc phục tình trạng này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đã chỉ đạo các nhà băng lên phương án cụ thể.

Theo đó, ông Tú cho biết có thể sẽ bố trí thêm bàn rút tiền hoặc trả lương tại các khu công nghiệp có nhiều lao động để họ rút tiền mặt trực tiếp nếu ATM đáp ứng không xuể. Bên cạnh đó, nhà băng cũng có thể ký kết hoặc trao đổi trực tiếp với các công ty, nhà máy giãn thời gian trả lương để giảm tải cho ATM.

"Mỗi máy ATM chỉ chứa được một lượng tiền nhất định. Dù vẫn tiếp quỹ liên tục một ngày vài lên mà lượng người cứ xếp hàng rút tiền ùn ùn thì cũng không xuể", ông Tú giải thích.

Đại diện cho các ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietcombank - cũng cho biết các đơn vị đã chuẩn bị nhiều phương án nhằm ung ứng lượng tiền mặt cho người dân, trong đó có việc tăng tần suất tiếp quỹ mỗi ngày. Bình thường trung bình ATM tiếp quỹ ngày một lần nhưng dịp Tết, nhu cầu tăng cao nên ông Tuấn cho biết mỗi ngày phải tiếp quỹ 3 lần, có thời điểm 6 lần.

"Tại Hà Nội, TP HCM, khoảng 15 ngày cận tết giao thông rất tệ nên việc đi lại khó khăn. Do đó, việc chậm tiếp quỹ không thể tránh khỏi và rất mong người dân thông cảm, ủng hộ cho ngân hàng vì những yếu tố khách quan này", ông Tuấn chia sẻ.

Các nhà băng cũng khuyến cáo, người dân có thể rút tiền ở nhiều máy ATM của những ngân hàng khác nhau để giảm tải áp lực, tránh việc xếp hàng trong dịp cuối năm. "Trong cụm khu công nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng phải bố trí để tạo thành một điểm rút tiền có nhiều ATM của các ngân hàng khác nhau. Khi ATM của đơn vị này hết tiền thì có đơn vị khác hỗ trợ", ông Tuấn nói

Thanh Thanh Lan

vnexpress