Chứng khoán Kenanga lộ ý định giải thể

Chứng khoán Kenanga lộ ý định giải thể

Ngoài 3 CTCK đang trong quá trình tự nguyện giải thể, CTCK Kenanga Việt Nam (KVS) là cái tên tiếp theo vừa hé lộ ý định rời bỏ thị trường, vì những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài.

* Chủ tịch HĐQT KVS bị phế truất vì... tin quân

Hàn gắn bất thành

KVS vừa nộp hồ sơ xin chấm dứt tư cách thành viên trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Động thái này được coi là đi ngược lại mục tiêu mới đây, mà lãnh đạo KVS chia sẻ với ĐTCK, là Công ty đang thực hiện tái cơ cấu để tìm kiếm đối tác chuyển nhượng. Nhóm cổ đông trong nước hiện sở hữu 51% cổ phần của KVS đang muốn bán Công ty càng sớm càng tốt.

Sở dĩ nói là đi ngược, bởi sau khi dừng triển khai hoạt động môi giới và đang hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên hai sở, thì việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng của KVS càng trở nên bất lợi.

Nói cách khác, khi đã là “cái xác không hồn”, KVS không còn nhiều giá trị. Thử hỏi, có đối tác nào bỏ ra tiền tỷ để mua KVS, nhưng không thể triển khai ngay các hoạt động giao dịch, mà phải mất không ít thời gian nếu muốn khôi phục trở lại tư cách thành viên của hai sở GDCK?

Thừa nhận động thái rút tư cách thành viên hai sở GDCK là không thuận cho việc tái cơ cấu KVS để bán, ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT KVS cho biết, mới đây, HĐQT đã triệu tập cuộc họp, để nỗ lực giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn tồn tại từ lâu giữa nhóm cổ đông Việt Nam với phía đối tác Malaysia cũng như tìm kiếm phương án phát triển mới cho KVS. Nhưng nhóm cổ đông nước ngoài không tham dự cuộc họp mà không nêu rõ lý do.

Điều này tiếp tục đẩy KVS vào tình trạng gần như ngưng trệ hoạt động, gây thiệt hại lớn không chỉ cho nhóm cổ đông trong nước, mà còn cho chính cổ đông Malaysia hiện sở hữu 49% cổ phần tại Công ty. Thậm chí, nhóm cổ đông trong nước còn có thiện chí đàm phán bán lại toàn bộ 51% cổ phần nếu cổ đông ngoại mong muốn.

“Cổ đông trong nước đang cố gắng hàn gắn những bất đồng với đối tác Malaysia, nhưng cổ đông nước ngoài lại không thể hiện thiện chí. Trong bối cảnh này, ý định tái cơ cấu KVS để tìm kiếm đối tác chuyển nhượng không thể triển khai tiếp, nên KVS đi đến quyết định rút tư cách thành viên hai sở GDCK”, ông Sơn nói và cho biết thêm, đây là bước đi hợp lý, bởi hiện tại KVS gần như không có doanh thu, trong khi mỗi năm phải mất khoảng 1,5 tỷ đồng nộp các loại phí cho HOSE và HNX, cũng như phải tuân thủ nhiều nghĩa vụ nếu tiếp tục duy trì tư cách thành viên của hai sở GDCK.

Bước đệm cho “xóa tên”

Trong năm 2013, đỉnh điểm mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông trong nước và Malaysia tại KVS đã xảy ra, khi nhóm cổ đông Việt Nam “tố” nhóm cổ đông nước ngoài tìm cách thâu tóm thù địch. Nhóm cổ đông Việt Nam đã liên tiếp có những phản ứng mạnh, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Hệ quả của “cuộc chiến” này là KVS gần như rơi vào tình trạng ngưng hoạt động, số lỗ phát sinh ngày một tăng.

Tính đến quý III/2013, KVS lỗ thêm hơn 900 triệu đồng, nâng số lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm nay lên hơn 2,4 tỷ đồng. Với số lỗ này, đến hết tháng 9/2013, vốn đầu tư của chủ sở hữu đã bị “ăn” mất hơn 21,1 tỷ đồng, còn hơn 113 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là con số hạch toán. Đại diện KVS từ chối tiết lộ lượng tiền mặt của Công ty, nhưng khẳng định hiện còn nhiều.

“Trong trường hợp nhóm cổ đông ngoại tiếp tục thể hiện thái độ không hợp tác như từng thể hiện trong suốt năm 2013, nhóm cổ đông trong nước sẽ vận dụng các quy định của pháp luật để tiến hành giải thể, phá sản KVS…”, ông Sơn cho hay, đồng thời nhìn nhận, đây là cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cổ đông, bởi nếu duy trì hoạt động kéo dài, nhưng không mang lại hiệu quả, thì số lỗ của KVS ngày một lớn.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán