Chuyên gia: Sở hữu 20% trong một ngân hàng chưa hấp dẫn

Chuyên gia: Sở hữu 20% trong một ngân hàng chưa hấp dẫn

Chính phủ vừa ban hành nghị định cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng trong nước từ 15% lên 20%. Tuy nhiên, theo những người trong ngành và các chuyên gia thì mức sở hữu này chưa hấp dẫn, chưa đủ để làm hài lòng các nhà đầu tư lớn muốn đầu tư vào ngân hàng Việt Nam.

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc của Ngân hàng Phát Mê Kông (MDB), đã từng cho rằng sở hữu 20% vẫn là quá khó để có thể điều khiển một ngân hàng, không thể nắm quyền kiểm soát tại ngân hàng đó.

“Đặt một câu hỏi ngược lại liệu một ngân hàng có muốn giao hết sự quản lý cho một đối tác chỉ sở hữu 20% vốn trong ngân hàng, và về phía đối tác nước ngoài thì họ sẽ tự hỏi tại sao tôi phải cố gắng hết sức vì một ngân hàng mà tôi chỉ sở hữu 20%?”, ông Tay nói.

Ông Tay hiện đang đại diện phần vốn 20% của công ty đầu tư tài chính Fullerton Financial Holdings (100% vốn của Teamasek Holdings Pte.Ltd - một tập đoàn tài chính hàng đầu của chính phủ Singapore) tại ngân hàng MDB. Ông cho biết theo ông tỷ lệ nắm giữ lý tưởng của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng phải trên 50%.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Bảo Việt, nhận định rằng tác động của việc tăng sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này đối với việc mua bán - sáp nhập trong ngành ngân hàng thời gian tới sẽ không lớn vì một nhà đầu tư chiến lược thường mong muốn có sở hữu trên 30% tại một ngân hàng. Với mức từ 30% trở lên thì tổ chức đó mới bắt đầu có tiếng nói trong vấn đề quản lý trong ngân hàng, ông Bình nói và cho biết ở các nước khác trong khu vực, mức sở hữu này là trên 30%.

Đối với thị trường chứng khoán, ông Bình cũng cho rằng không có tác động nhiều mà chủ yếu là hỗ trợ về mặt dài hạn khi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được sở hữu nhiều hơn trong ngân hàng họ có thể đầu tư nhiều hơn để làm chuyển biến về chất của các ngân hàng trong dài hạn. Trong ngắn hạn thì tin này chỉ mang yếu tố tâm lý nhất thời, ông Bình nói.

Việc tăng sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (room) trong ngân hàng là nằm ngoài kỳ vọng của thị trường vì nhà đầu tư đang chờ đợi việc nới room nước ngoài tại các công ty cổ phần đại chúng lên cao hơn mức 49% hiện nay, ông Bình nói.

Do không mong chờ nên giá cổ phiếu ngân hàng những phiên gần đây không có chuyển biến gì, chỉ hôm nay (7-1) các cổ phiếu này mới đồng loạt tăng giá, nhưng mức tăng không mạnh.

Trên thực tế thì nghị định mới của Chính phủ chỉ tăng thêm tỷ lệ sở hữu cho một đối tác chiến lược nước ngoài cũng như một tổ chức và các bên liên quan tại một ngân hàng chứ về tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả cổ đông nước ngoài thì vẫn không thay đổi, giữ ở mức 30%.

Trước đây, một nhà đầu tư chiến lược của một ngân hàng chỉ được nắm tối đa 15% cổ phần của ngân hàng, nhưng nếu xin phép và được Thủ tướng đồng ý thì có thể tăng lên mức 20%, như trường hợp của MDB hay HSBC sở hữu tại Techcombank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu VietinBank, và May Bank sở hữu tại Ngân hàng An Bình (ABBank).

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là dịp để các cổ đông lớn nước ngoài hiện mới nắm 15% vốn cổ phần của một ngân hàng có thể nâng cao tỷ lệ sở hữu tại một ngân hàng trong nước như tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial của Nhật đang nắm 15% cổ phần trong Eximbank (EIB) hay tập đoàn Mizuho Financial hiện cũng đang sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank (VCB).

Thủy Triều

TBKTSG