Doanh nghiệp “gồng mình” vượt khủng hoảng

Doanh nghiệp “gồng mình” vượt khủng hoảng

Năm 2013 kết thúc với bộn bề gian khó mà cộng đồng DN phải đối mặt. Trong cuộc trường chinh vượt khó đó, nhiều DN đã vượt qua thách thức một cách ngoạn mục bằng những lối đi riêng.

Ông Võ Sơn Điền - Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ tỉnh Bình Dương - nhận xét, để vượt qua khủng hoảng, nhiều DN ở Bình Dương chọn giải pháp giảm chi phí đầu vào, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kết thúc 2013, doanh thu của Công ty May Bình Dương đạt khoảng 56 triệu USD (tăng hơn 30% so với năm trước), nhờ tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước đây, công đoạn may túi quần Jean làm thủ công, nay chuyển qua may tự động, nhờ đó, năng suất tăng lên, thời gian tiết kiệm được 18% so với trước và hơn 2.500 công nhân tăng ca liên tục. Đại diện Công ty May Bình Dương tiết lộ, hiện công ty đã có đơn hàng đến quý II/2014 và thông báo lương năm 2014 của công nhân sẽ tăng ít nhất 10%.

Chi phí sản xuất cao, hàng tồn kho nhiều, sức mua trên thị trường thấp là những khó khăn thường trực bủa vây hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Để vượt qua những trở ngại này, nhiều DN đã chọn giải pháp liên kết cùng chia sẻ khó khăn để tạo đầu ra. Đơn cử trường hợp Công ty Gốm sứ Minh Long 1 vừa hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP.HCM để phân phối các loại sản phẩm gốm sứ mới dành cho nhà hàng, khách sạn. Ông Lý Huy Sáng - Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1 - cho biết: “Sự hợp tác này sẽ giúp Minh Long tiêu thụ được hàng vạn sản phẩm và có thêm cơ hội để quảng bá thương hiệu đến với du khách gần xa, bù lại, các DN đã mua được sản phẩm của Minh Long với giá thấp hơn”.

Năm 2013, Công ty CP Bao bì Vafaco ước đạt doanh thu 85 tỷ đồng (đạt 103% kế hoạch năm), lợi nhuận 2,7 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Có được kết quả này là nhờ Vafaco tập trung sản xuất túi nhựa HDPE thân thiện với môi trường và tự hủy được, các siêu thị, công ty chế biến thực phẩm tiêu thụ mạnh. Giám đốc Công ty Nguyễn Phước Đông - chia sẻ, để có được túi nhựa HDPE tiêu thụ và có lãi, công ty đã cải tiến thiết bị giảm điện năng tiêu thụ, hạn chế phế liệu, phế phẩm trong sản xuất và không ngừng tìm kiếm khách hàng, thị trường mới.

Phục vụ thị trường Tết Giáp Ngọ 2014, Vissan đã chuẩn bị 853 tỷ đồng hàng hóa (trong đó 784 tỷ đồng dành cho hàng bình ổn) với 40.000 con heo và 10.000 tấn thực phẩm chế biến, tăng 20% so với cùng kỳ. Theo ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan, để tiêu thụ được hàng, Vissan đã liên kết chặt chẽ với các kênh phân phối lớn, trực tiếp đưa hàng đến tận nơi và ưu đãi về giá cho các cửa hàng, đại lý, tiểu thương ở chợ. Muốn chuỗi cung ứng này khai thông, Vissan đã đầu tư rất nhiều tiền vào trại chăn nuôi, liên kết với người chăn nuôi ở các tỉnh để có nguồn hàng ổn định và giá hạ hơn thị trường.

Công ty Kinh Đô sẽ đưa trên 4.500 tấn bánh kẹo, tăng 20% so với năm ngoái để phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Ông Nguyễn Xuân Luân - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô - cho hay, ngoài cải tiến chất lượng, mẫu mã, Kinh Đô còn giữ giá bán (chỉ tăng nhẹ từ 1 - 2% giá cho một số mặt hàng) mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 20%. “Để thực hiện chính sách này, Kinh Đô đã tập trung hợp lý hóa các chi phí sản xuất, bán hàng, chia sẻ một phần chi phí, lợi nhuận với người tiêu dùng”- ông Luân nói.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu - Giám đốc marketing Công ty Điện máy Thiên Hòa -phân tích, đứng trước tình trạng hàng điện máy ế ẩm và cạnh tranh quyết liệt, để giảm hàng tồn kho, Thiên Hòa đã tăng cường bán hàng trả góp, áp dụng nhiều chương trình khuyến mại lớn, ưu đãi nhiều cho người mua… Nhờ đó có nhiều tháng hàng tiêu thụ đã tăng gấp đôi.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Năm 2014, TP.HCM sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh. Tuy vậy, để vượt qua khó khăn, bản thân DN phải tự tìm ra phương án sản xuất tốt, cách giải phóng hàng tồn kho hữu hiệu, tính toán sản xuất - kinh doanh hợp lý...

Trần Thế

công thương