Kinh tế năm 2014: Từ kinh nghiệm khốc liệt

Kinh tế năm 2014 - Không “cởi mở” mạnh, kinh tế không thể đột phá

Giải pháp quan trọng nhất cho nền kinh tế mà Chính phủ vừa thông qua áp dụng cho năm 2014 vẫn là các giải pháp được áp dụng trong rất nhiều năm, đó là ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát. Chúng ta chưa có những chính sách lớn để cởi mở nền kinh tế. Cả nền kinh tế đang trông chờ “chính sách cởi mở” tạo ra sự đột phá. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Quang Vũ - người có thâm niên theo dõi về lĩnh vực kinh tế.

Kinh tế năm 2014: Từ kinh nghiệm khốc liệt

Năm 2013, mức tăng trưởng GDP của VN là 5,8%, so với 5,42% của năm 2012; nhưng chưa nên mừng vì sự nhích lên này do áp dụng phương pháp tính mới. Nếu đúng kinh tế phát triển hơn thì không thể có chuyện đời sống người dân còn nhiều khó khăn và các DN lại rơi vào thế “thúc thủ”. 77.000 DN được thành lập mới, trong khi có 60.000 DN phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh...

Chất lượng tăng trưởng kém

Vì sao có tình trạng kinh tế suy trầm kéo dài đến 7 năm, sau một thời gian tăng trưởng "nóng", và trong thời gian đó, Chính phủ phải dùng gói cứu trợ đến 8 tỉ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ quốc gia thâm hụt đến mức báo động?. Có thể khẳng định ngay, VN có nền kinh tế chất lượng tăng trưởng kém.

Chất lượng tăng trưởng kém một phần dựa vào bán tài nguyên thô

Theo các nhà quản lý, các chuyên gia, thì tăng trưởng GDP của VN chủ yếu dựa vào hai yếu tố: Tài nguyên và vốn. Trong khi tài nguyên thì khai thác đến mức có thể, mang bán thô để giải quyết thành tích trước mắt, còn vốn thì chủ yếu đi vay nước ngoài.

Nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng cao, ổn định phải dựa vào các yếu tố mang tính thời đại hơn là: năng suất lao động và chất lượng công nghệ. VN có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu mang tính thời đại, nhưng đó là các sản phẩm của các DN FDI, của các DN VN mua công nghệ, thiết bị, nguyên liệu từ nước ngoài.

Nhìn vào số liệu xuất siêu và nhập siêu năm 2013 của VN, có thể nhận ra 3 điều: VN nhập bán thành phẩm để gia công, đang làm người bán hàng giúp Trung Quốc và thiết bị, công nghệ nhập về chỉ là loại thứ cấp, chất lượng kém. Số liệu đó như sau: Xuất siêu sang Mỹ 18,6 tỉ USD, sang EU 11,2 tỉ USD, sang Nhật 2,3 tỉ USD. Và trả giá bằng nhập siêu từ Trung Quốc 23,7 tỉ USD.

Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, VN coi nông nghiệp là cứu cánh để ổn định. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nông nghiệp không chỉ là yếu tố để ổn định mà có thể góp một phần động lực được không? Có thể chứ. Nông nghiệp đã giúp VN không phải đi vay, đi xin, hoặc đi mua cứu đói như đã từng xảy ra.

Điều ấy bớt đi một gánh nặng rất lớn cho quốc gia. Nhưng nhìn từ số liệu vĩ mô của ngành nông nghiệp thì năm 2013, VN xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch thu được gần 3 tỉ USD. Nhưng trớ trêu thay, số tiền xuất khẩu gạo này bằng đúng số tiền để VN nhập thức ăn gia súc và một số sản phẩm phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Vào thời điểm này, nhiều nơi, nông dân để hoang chuồng trại, ao nuôi và ruộng đất.

Phải hiểu đúng về kinh tế vĩ mô

Thuật ngữ kinh tế này được nhiều người đề cập trong mọi hoàn cảnh cần thiết và có thể. Nhưng nhiều người đơn giản chỉ hiểu ổn định kinh tế vĩ mô là ổn định chính sách tài chính tiền tệ, không gây giảm phát hoặc lạm phát.

Không phải chỉ có thế. Kinh tế vĩ mô bao gồm các yếu tố thể chế kinh tế, định hướng phát triển kinh tế ngành trong tổng thể nền kinh tế; giải pháp điều hành nhuần nhuyễn giữa các ngành kinh tế và kinh tế đối ngoại...để thực hiện một nền kinh tế mang tính quy luật của thị trường và có định hướng của quốc gia tùy theo hoàn cảnh của quốc gia đó. Như vậy, định hướng và ổn định kinh tế vĩ mô không phải nhiệm vụ của một mình Chính phủ!

Rõ ràng, ngay cả khi quan niệm xung quanh vấn đề chính sách tài chính, ngân hàng là kinh tế vĩ mô thì biểu hiện thực tế đã không đạt. Từ 5 ngân hàng,VN đã có tới hơn 40 tổ chức tín dụng, nhưng hệ thống này lại không đủ mạnh và lành mạnh. Các vụ án liên quan đến ngân hàng, vấn đề xếp loại ngân hàng và cơ cấu lại ngân hàng đang biểu hiện điều đó.

Trong 7 năm liên tục, VN luôn phải ban hành chính sách điều hành tài khoá và tiền tệ mang tính ngắn hạn và có năm đồng thời phải giải quyết cả vấn đề lạm phát và vấn đề thiểu phát! Ngay thời điểm này, các DN kể cả các DN lành mạnh đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Một chính sách xây dựng nền công nghiệp ôtô đổ bể; một chính sách xây dựng một ngành đóng tàu kiểu hoành tráng cũng đổ bể cũng là những vấn đề trong kinh tế vĩ mô.

Và, thời điểm này, VN đang cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại DNNN và hệ thống tài chính ngân hàng... Thuật ngữ “cơ cấu lại” đang được dùng tràn lan, nhưng các giải pháp cơ cấu có khoa học và có phù hợp với nền kinh tế VN hay không? Ngay cả hệ thống tài chính, ngân hàng, vấn đề cơ cấu lại hệ thống, cơ cấu lại nợ, vấn đề có thêm một thực thể thu hút nợ đó là TCty mua bán nợ... cũng chỉ là hoạt động, chứ còn chờ thời gian mới biết hiệu quả.

Trần Quang Vũ

lao động