Thép “vật vã” tồn tại

Thép “vật vã” tồn tại

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh ảm đạm của ngành thép năm 2013 là các chỉ tiêu kỹ thuật đạt ở mức tốt, đã giúp DN giảm chi phí giá thành, tăng thêm lợi nhuận.

“Theo thống kê, cung hiện vượt lên hai lần cầu”, ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nêu lý do những khó khăn mà ngành thép đối mặt trong suốt 3 năm liên tiếp vừa qua. Trong quý IV/2013, thị trường xuất hiện nguồn cung mới từ một số nhà sản xuất là Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 (Hải Dương), CTCP Thép Việt - Mỹ.

Nếu tính cả sản lượng từ CTCP Cán thép Thái Trung thì thị trường có thêm khoảng 1,25 triệu tấn thép. “Điều đó tạo ra khó khăn cho sản xuất kinh doanh của tất cả các nhà sản xuất thép”, ông Hưng nói.

Chia sẻ thêm, ông Vũ Bá Ổn, Phó tổng giám đốc VNSteel liệt kê hàng loạt khó khăn khác. Giá cả nguyên liệu đầu vào ngành thép diễn biến không theo quy luật khiến DN khó cân đối đầu vào, đầu ra. Nhu cầu tiêu thụ thép thế giới giảm sút và cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất lớn nên xuất khẩu khó khăn.

Sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản trong nước cùng việc cắt giảm đầu tư công đã khiến cho ngành thép thêm ảm đạm. VNSteel là đơn vị lớn nhất ngành thép, song cũng không tránh khỏi thua lỗ trong 2 năm liên tiếp và có công ty con phải phá sản. Trong đó, nhiều chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ ở các sản phẩm chính đều không đạt được kế hoạch đề ra.

Cung vượt cầu khiến giá giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, một số yếu tố đầu vào sản xuất thép đều tăng giá như điện, xăng dầu, gas… co hẹp lợi nhuận của DN. Kết quả là phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản của VNSteel không đạt mục tiêu đề ra, bình quân từ 80% đến 106% kế hoạch năm; nhiều chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trước rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN thép đã phải lên kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo ông Tạ Trung Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Thép miền Nam, để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, DN đã tiến hành áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để giảm tiêu hao nhiên liệu điện, dầu… Điều này đã giúp cho Thép miền Nam giảm chi phí 1,3 triệu đồng/tấn trong luyện thép; giảm giá thành sản xuất cán thép 1,4 triệu đồng/tấn.

Cùng với đó, Thép miền Nam cũng đẩy mạnh việc giao khoán cho các đơn vị thành viên để tiết giảm thêm chi phí. Kết quả là khâu luyện thép giảm được 250 nghìn đồng/tấn; cán thép giảm được 73 nghìn đồng/tấn... Như vậy, trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, công ty này cũng tiết giảm được 47,7 tỷ đồng, góp phần giảm mạnh chi phí.

Trong đó, giảm trong sản xuất phôi thép là 31,5 tỷ đồng, cán thép là 13 tỷ đồng. Đặc biệt, ông Hiếu còn cho biết với phong trào phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, đã có gần 100 ý tưởng được đưa ra để giúp DN nâng cao trong hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Những trường hợp điều chỉnh sản xuất theo hướng giảm sản lượng, cắt giảm triệt để chi phí như Thép miền Nam khá phổ biến. Theo Tổng giám đốc VNSteel Lê Phú Hưng, điểm sáng trong bức tranh kinh doanh ảm đạm của ngành thép năm 2013 là các chỉ tiêu kỹ thuật đạt ở mức tốt, đã giúp DN giảm chi phí giá thành, tăng thêm lợi nhuận.

Đơn cư như CTCP Gang thép Thái Nguyên hoàn chỉnh nạp phôi nóng, giảm tiêu hao dầu FO từ 6 - 8 kg/tấn, làm lợi hàng chục tỷ đồng; Thép miền Nam đạt chỉ tiêu tiêu hao dầu xuống dưới 20 kg dầu/tấn; hoặc như Thép Tây Đô sử dụng dầu điều thay cho dầu FO giúp giảm chi phí sản xuất và giá thành…

Ông Hưng nhìn nhận, với những nỗ lực tiết giảm chi phí, nhiều đơn vị trong VNSteel đều giảm được giá thành sản phẩm, tăng được sức cạnh tranh và giữ được thị phần trong bối cảnh tiêu dùng khó khăn.

Trường Sơn

thời báo ngân hàng