Thị trường từ góc nhìn chu kỳ: An tâm ăn Tết Giáp Ngọ?

Thị trường từ góc nhìn chu kỳ: An tâm ăn Tết Giáp Ngọ?

Giai đoạn hai tuần sau Tết âm lịch, chỉ số thị trường thường có xu hướng giảm điểm trở lại, nếu không có sự hỗ trợ của khối ngoại.

* Khối ngoại có nghỉ Tết như lo ngại?

Chỉ còn hai tuần nữa là thị trường sẽ đón nhận kỳ nghỉ Tết âm lịch Giáp Ngọ. Liệu giới đầu tư có bắt đầu nghỉ Tết sớm và qua đó khiến cho giao dịch trầm lắng hơn? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng xem xét lại diễn biến thị trường ở các phiên giao dịch trước và sau Tết âm lịch những năm gần đây.

Tết âm lịch năm 2011: Giai đoạn 2 tuần trước Tết âm lịch năm 2011, chỉ số thị trường VN-Index đã tăng từ mức 495.16 điểm (17/01) đến 510.6 điểm (28/01), tương ứng với mức tăng trưởng 3.1%.

Tuy nhiên, giới đầu tư lại có xu hướng giảm giao dịch khi khối lượng trung bình mỗi phiên trong giai đoạn này lại sụt giảm mạnh tới 19.7% so với trung bình 52 tuần trước đó và chỉ đạt 33.4 triệu đơn vị.

Động lực chính giúp thị trường tăng điểm đến từ giao dịch của khối ngoại khi họ mua ròng tổng cộng đến 1,007 tỷ đồng trong giai đoạn này.

Đáng chú ý là giai đoạn hai tuần sau Tết âm lịch năm 2011, VN-Index đã sụt giảm trở lại từ 520.69 điểm (08/02) xuống 503.92 điểm (18/02), tương ứng với mức giảm 3.2%.

Biểu đồ 1: VN-Index và Giao dịch của khối ngoại trong Tết âm lịch năm 2011 (Nguồn: VietstockUpdater)

Tết âm lịch năm 2012: Trong giai đoạn gần 2 tuần trước Tết năm 2012, VN-Index thậm chí tăng điểm rất mạnh từ 339.32 điểm (09/01) lên đến 373 điểm (20/01), tương ứng với mức tăng 9.9%.

Nhưng có một điểm tương tự là giới đầu tư cũng e ngại giao dịch khi khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trong giai đoạn này chỉ đạt 18.9 triệu đơn vị, sụt giảm đến 28.3% so với trung bình 52 tuần trước đó.

Động lực tăng điểm của thị trường vẫn không có gì thay đổi, đó là khối ngoại, khi họ mua ròng tổng cộng 227.7 tỷ đồng (đã loại trừ những phiên giao dịch đột biến) trong giai đoạn này.

Khối ngoại duy trì lực mua ròng sau đó và kết quả là VN-Index tiếp tục tăng điểm trong hai tuần giao dịch sau Tết, từ mức 384.94 điểm (30/01) lên 405.02 điểm (10/02), tương ứng với mức tăng 5.2%.

Biểu đồ 2: VN-Index và Giao dịch của khối ngoại trong Tết âm lịch năm 2012 (Nguồn: VietstockUpdater)

Tết âm lịch năm 2013: VN-Index trong giai đoạn 2 tuần trước Tết năm 2013 tăng trưởng 3% từ 479.6 điểm (28/01) lên 494.03 điểm (08/02).

Tuy nhiên, không giống như nhưng năm trước, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trong giai đoạn này đạt 69.4 triệu đơn vị, tăng 38.4% so với trung bình 52 tuần trước đó.

Không ai khác, khối ngoại tiếp tục là tác nhân chính giúp cho chỉ số thị trường tăng điểm và giao dịch thị trường diễn ra sôi động trong giai đoạn này. Cụ thể, họ đã mua ròng tổng cộng đến 524.7 tỷ đồng.

Hai tuần sau Tết âm lịch, chỉ số thị trường quay đầu đánh mất thành quả trước đó, giảm 3.4% từ 493.95 điểm (18/02) xuống 477.15 điểm (01/03).

Biểu đồ 3: VN-Index và Giao dịch của khối ngoại trong Tết âm lịch năm 2013 (Nguồn: VietstockUpdater)

Như vậy, thống kê của Vietstock cho thấy trong giai đoạn cuối năm âm lịch, hoạt động giao dịch của giới đầu tư trong nước thường sụt giảm và thanh khoản có chiều hướng đi xuống. Thay vào đó, hoạt động của khối ngoại lại diễn ra sôi động trong giai đoạn đầu năm dương lịch, giúp thị trường tăng điểm khá tốt.

Đáng chú ý là giai đoạn hai tuần sau Tết âm lịch, chỉ số thị trường thường có xu hướng giảm điểm trở lại, nếu không có sự hỗ trợ của khối ngoại. Nói cách khác, nếu khối ngoại duy trì mua ròng mạnh thì thị trường vẫn có cơ hội tiếp tục tăng trưởng.

Hữu Trọng

công lý