Trung Quốc bắt đầu lo thiếu lương thực

Trung Quốc bắt đầu lo thiếu lương thực

Cải thiện môi trường nông thôn và duy trì an ninh lương thực sẽ là các chính sách ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2014, hãng tin Reuters dẫn một văn kiện chính sách quan trọng do Tân Hoa xã công bố hôm 19/1.

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên Trung Quốc, diện tích ruộng đất canh tác nước này đã sụt giảm 6,2% trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2008

Văn kiện mà Tân Hoa xã công bố có tên gọi là "Tài liệu số 1" được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố vào tháng 1 hàng năm, trong đó đặt ra các ưu tiên chính sách trong cả năm đó của quốc gia. Tài liệu năm nay tiếp tục tập trung vào những vấn đề nông thôn, vốn đã được chú trọng kể từ năm 2003.

Hãng tin Reuters cho hay, văn kiện năm nay cũng còn tập trung vào việc phát triển "nông nghiệp hiện đại" và đề cập tới sự cải thiện phương pháp quản lý nông thôn. Tuy nhiên, những hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ nới lỏng mục tiêu tự túc 95% lương thực lâu nay và mở cửa ngõ để nhập khẩu nhiều hơn, dường như đã tiêu tan.

Văn kiện viết rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục những biện pháp tự túc các loại ngũ cốc cơ bản, trong khi gia tăng sử dụng các thị trường nước ngoài và cho phép một lượng "thích hợp" hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài.

Văn kiện nhấn mạnh, Trung Quốc "sẽ không nới lỏng việc sản xuất lương thực nội địa bất kỳ lúc nào".

Bắc Kinh hiện đang bận tâm tới việc làm sạch ô nhiễm đô thị, sau hàng loạt vấn đề khói bụi nghiêm trọng, và cũng thừa nhận rằng ô nhiễm nguồn nước và đất đai do quá trình công nghiệp hóa, cùng với sự lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, đã gây ra hàng loạt vấn đề môi trường nghiêm trọng tại vùng nông thôn nước này.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc cho biết, khoảng 3,33 triệu hecta đất nông nghiệp hiện quá ô nhiễm. Do đó, việc cải tạo lại những vùng đất ô nhiễm cũng sẽ góp phần giúp Trung Quốc đảm bảo ít nhất 120 triệu hecta dự trữ cho việc trồng trọt.

Do đó, cuộc chiến chống ô nhiễm ở nông thôn cũng là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để đảm bảo đủ đất canh tác, nguồn nước và lực lượng lao động, nhằm cung ứng cho dân số đô thị đang ngày một gia tăng.

Tờ Les Echos của Pháp tháng 10 năm ngoái cho hay, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu đã làm thay đổi các thói quen về ăn uống ở Trung Quốc. Tiêu thụ thịt heo, bò, gia cầm cũng bùng nổ. Gần 20 triệu người di cư hàng năm từ nông thôn ra thành thị vùng duyên hải phía đông.

Với tốc độ như vậy, dân số thành thị Trung Quốc sẽ vượt mức một tỷ từ nay đến năm 2025, Les Echos dẫn báo cáo của văn phòng nghiên cứu McKinsey. Để đối phó tình trạng đó, ngoài việc tự sản xuất, Trung Quốc còn tìm cách thu mua lương thực từ khắp nơi trên thế giới và thuê cả ruộng đất ở nước ngoài để trồng trọt, sản xuất.

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên Trung Quốc, diện tích ruộng đất canh tác nước này đã sụt giảm 6,2% trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2008. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn tài nguyên từ nước ngoài, tại Đông Nam Á có Lào, Campuchia và Indonesia. Ngoài ra, còn có khu vực châu Mỹ Latin.

Không chỉ có vậy, trong nhiều năm, Trung Quốc đã lập các kho dự trữ lớn, đặc biệt là lúa mì để đề phòng những trường hợp cấp bách. Theo tờ Les Echos dẫn báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc, con số dự trữ lên đến hàng chục triệu tấn. Ngoài ra còn có những kho dự trữ tư nhân, song không có số liệu cụ thể.

Thanh Hải

vneconomy