Nín thở chờ nhận định của Tân Chủ tịch Fed

Nín thở chờ nhận định của Tân Chủ tịch Fed

Các thị trường tài chính sẽ theo dõi sát sao bất kỳ tín hiệu nào từ Tân chủ tịch Fed Janet Yellen khi bà lần đầu tiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Theo các nhà kinh tế, khó có khả năng bà Yellen sẽ thay đổi chính sách tiền tệ.

* Tiền tháo chạy kỷ lục khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu

Bất kỳ manh mối nào về những ưu tiên của bà Yellen trong việc thiết lập chính sách cũng sẽ rất quan trọng đối với nhà đầu tư

Bà Yellen sẽ xuất hiện trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày thứ Ba và Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày thứ Năm. Theo dự kiến, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện sẽ công bố trước các nhận định của bà về về triển vọng chính sách định kỳ 6 tháng của Fed vào lúc 8h30 sáng ngày thứ Ba (theo giờ địa phương) và phiên chất chất sẽ diễn ra vào lúc 10h cùng ngày.

Nhận định của bà Yellen có thể tiết lộ nhiều điều về các kế hoạch trọng tâm của bà trong nhiệm kỳ sắp tới trên cương vị Chủ tịch Fed. Trong bối cảnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm về ngưỡng 6.6%, thậm chí khi tăng trưởng việc làm vẫn còn ảm đạm, bất kỳ manh mối nào về những ưu tiên của bà Yellen trong việc thiết lập chính sách cũng sẽ rất quan trọng đối với nhà đầu tư.

Các buổi chất vấn này diễn ra trong lúc nhà đầu tư đang vật lộn với các số liệu kinh tế thất vọng trong tháng 1, bao gồm sự yếu kém của lĩnh vực sản xuất và thị trường việc làm.

Theo quy định, Chủ tịch Fed có trách nhiệm báo cáo với Quốc hội 2 lần mỗi năm và lần đầu tiên kể từ năm 2006, ngưới đứng ra trả lời các câu hỏi của hai viện không phải là Chủ tịch Ben Bernanke.

Được biết, Fed đã bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) bớt 10 tỷ USD/tháng trong hai cuộc họp vừa qua và theo dự báo ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô của gói kích thích bớt 10 tỷ USD tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 tới. Hiện Fed đang mua vào 65 tỷ USD trái phiếu/tháng.

Trong khi đó, các thông tin gần đây về nền kinh tế lại không mấy khả quan. Báo cáo việc làm tháng 1 cho thấy nền kinh tế chỉ tạo ra 113,000 việc làm, thấp hơn nhiều so kỳ vọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại sụt giảm còn 6.6%, tức gần sát ngưỡng 6.5% làm cơ sở để Fed đánh giá lại lãi suất.

Dù vậy, chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm trong ngày thứ Sáu bất chấp số liệu yếu kém này vì một số nhà đầu tư tin tưởng Fed có thể suy nghĩ lại kế hoạch cắt giảm QE3. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng các quan chức ngân hàng trung ương khó có thể thay đổi phương án nếu chỉ dựa trên số liệu ảm đạm của một hoặc hai tháng, trong đó một phần nguyên nhân xuất phát từ thời tiết lạnh bất thường.

Hiện tại, nhà đầu tư còn nhiều điều để lo lắng hơn ngoài Fed và nền kinh tế Mỹ. Thị trường chứng khoán nước này biến động khá mạnh trong các tuần gần đây trước các tín hiệu yếu kém từ Trung Quốc và một số thị trường mới nổi khác.

Cả phiên lao dốc mạnh nhất và phiên bứt phá mạnh nhất năm 2014 của Dow Jones đều diễn ra trong tuần trước. Cụ thể, chỉ số blue-chip này sụt giảm 326 điểm trong ngày thứ Hai trước khi tăng vọt trở lại 188 điểm vào ngày thứ Năm. Bất chấp các phiên rung lắc này, cả ba chỉ số chính của Mỹ vẫn ghi nhận đà tăng nhẹ trong tuần qua và sắc xanh tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/02).

Tuy nhiên, những biến động gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi cổ phiếu và đổ vào trái phiếu. Số liệu từ EPFR Global cho thấy các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Mỹ bị rút vốn kỷ lục trong tuần kết thúc ngày 05/02 với tổng lượng rút ròng 24 tỷ USD, chủ yếu là do làn sóng tháo chạy khỏi các quỹ ETF. Đây cũng là mức thất thoát kỷ lục xét theo giá trị đồng USD. Trái lại trong cùng kỳ, các quỹ đầu tư vào trái phiếu kho bạc của Mỹ huy động được tới 13.2 tỷ USD.

Phước Phạm (Theo CNBC)

Công Lý