Có nên bỏ trần lãi suất?

Có nên bỏ trần lãi suất?

Năm 2011, trước viễn cảnh lạm phát tăng cao và tình trạng rối ren của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định áp trần lãi suất huy động bằng tiền đồng ở mức 14%. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 8 lần hạ trần lãi suất huy động. Hiện nay, trần lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng là 7%/năm. Đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, các tổ chức tín dụng được tự do thương lượng với khách hàng.

* Bỏ ngay trần huy động để áp trần cho vay

Như vậy, việc quy định trần lãi suất cũng như các kỳ hạn áp dụng đã dễ thở hơn nhiều so với trước đây. Hiện tại, hệ thống đang dư thừa một lượng tiền mặt lớn, nên nhiều ngân hàng ngay sau Tết đã chủ động hạ lãi suất huy động, thậm chí còn thấp hơn mức trần, để tiết giảm chi phí huy động vốn như Sacombank, ACB, Đông Á, Techcombank… Việc này cũng giúp cho ngân hàng có điều kiện hạ lãi suất đầu ra, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng qua các năm

Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán HSC, dường như trần lãi suất huy động không còn cần thiết nữa khi hệ thống tài chính giờ đã ổn định. Việc bỏ trần lãi suất sẽ không giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, nhưng giúp định giá tiền tệ tốt hơn. Nhờ vậy, đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng lớn được quản lý tốt có thể huy động thêm tiền gửi, trong khi các ngân hàng nhỏ sẽ phải trả chi phí vốn cao hơn. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2, tuy thừa nhận trần lãi suất huy động không còn ý nghĩa nhiều đối với việc ngăn chặn hiện tượng “xé rào” lãi suất như trước, nhưng bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thật vững chắc, Ngân hàng Nhà nước mới bỏ trần lãi suất huy động. Như vậy, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể để tiến tới bỏ hẳn công cụ trần lãi suất.

Liên quan đến việc bỏ hay không bỏ trần lãi suất, thế giới cũng có nhiều chuyện hay để nói. Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ bỏ trần lãi suất huy động trong 2 năm tới. Một bước đi mà chính phủ nước này hy vọng sẽ buộc các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau để tìm khách hàng bằng các điều khoản gửi tiền hấp dẫn. Từ đó sẽ giúp người gửi tiết kiệm có nhiều tiền hơn, ngân hàng sẽ phải đánh giá rủi ro cẩn thận hơn và cho vay nhiều hơn đến khu vực doanh nghiệp tư nhân vốn sẵn lòng trả lãi suất cao hơn. Và đây là đối tượng đang kêu là bị các ngân hàng lớn phớt lờ.

Trước đó, lợi dụng trần lãi suất huy động, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng do Nhà nước sở hữu đã huy động vốn với chi phí thấp và cho vay với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhà nước, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Vì vậy, động thái quyết dỡ bỏ trần lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được nhiều người ủng hộ.

Tuy vậy, việc dỡ bỏ trần lãi suất, nếu không quản lý cẩn thận có thể dẫn đến những rủi ro lớn như ở Mỹ vào những năm 1980. Và đây là một bài học kinh điển.

Khi đó, Mỹ quyết định dỡ bỏ trần lãi suất huy động và kết quả là sự tăng trưởng nhảy vọt rồi sụp đổ của nhiều công ty tiết kiệm và cho vay. Lý do là khi lãi suất huy động được tự do hóa, các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thu hút tiền gửi, đẩy chi phí huy động lên cao. Với chi phí cao như thế, nhiều ngân hàng chấp nhận thực hiện các khoản cho vay rủi ro để bù đắp lại chi phí. Nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay các dự án bất động sản với kỳ vọng thu được lợi nhuận lớn. Cuối cùng, khi các chủ dự án bất động sản không thể trả nợ, hơn 1.600 ngân hàng đã bị phá sản.

Hãy quay trở lại trường hợp của Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, việc trần lãi suất huy động được dỡ bỏ sẽ khiến lãi suất thị trường tăng mạnh, dẫn đến áp lực lớn hơn đối với chính quyền các địa phương, chủ dự án bất động sản và các công ty khác đang phải vật lộn để trả nợ.

Đối với Việt Nam, nhiều khả năng đây cũng sẽ là những đối tượng chịu áp lực lớn nhất khi trần lãi suất huy động được dỡ bỏ. Xem ra ván bài áp trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng muốn kết thúc cũng không đơn giản tí nào.

Sơn Nguyễn

ncđt