Kinh tế năm 2014: Cơ hội đậm dần

Kinh tế năm 2014: Cơ hội đậm dần

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, năm 2014 kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, song cũng đang và sẽ ngày càng đậm dần nhiều cơ hội tích cực cả từ bên ngoài và bên trong nước.

Đánh giá, nhiều khó khăn, thách thức lớn của năm 2013 vẫn nặng nề đối với cả nền kinh tế và từng DN, nhất là nợ xấu và sự cạnh tranh thị trường, TS. Phong nhấn mạnh: “Nền kinh tế không thể khởi sắc khi các DN chưa phục hồi và sản xuất kinh doanh hiệu quả”.

Để minh họa cho nhận định này, TS. Phong dẫn chứng, tính tới cuối năm 2013, mặc dù có trên 79 ngàn DN được thành lập mới và khoảng 13 ngàn DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại thị trường, song số DN dừng hoạt động và phá sản cũng lên tới trên 61 ngàn, trong khi 2/3 số DN đang hoạt động không có lãi.

Hơn nữa, số lượng DN đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, giảm dần trong các khối sản xuất. “Điều này cũng phản ánh đúng một thực tế là hầu hết các DN sản xuất đều phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp”, ông Phong nhận xét.

Niềm tin tiền đồng sẽ tiếp tục được giữ vững nhờ dự trữ ngoại hối tăng 3 lần trong năm 2013 và tỷ giá chỉ tăng khoảng trên dưới 2% trong cả năm 2013 và cũng tăng không quá 3% như cam kết mạnh mẽ của NHNN. Lạm phát sẽ được kiểm soát nhờ những nỗ lực nêu trên, cộng với nhiều cơ sở để tin rằng khó có việc tăng hoặc giảm mạnh sốc giá vàng năm 2014...

TS. Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên, theo ông, năm 2014 kinh tế Việt Nam cũng có nhiều yếu tố thuận lợi từ cả bên ngoài lẫn bên trong.

Bên ngoài, kinh tế thế giới năm 2014 sẽ ghi nhận sự chuyển biến tiến tới ổn định hơn, an toàn và phục hồi bền vững hơn xoay quanh ba trụ cột chính: Sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển, sự ổn định của các nước mới nổi và tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương các nước.

“Sự hồi phục rõ rệt của kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản và duy trì tăng truởng ổn định của Trung Quốc và kinh tế thế giới nói chung, sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại những thuận lợi về lòng tin thị trường, đầu tư và tiêu dùng chung cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, nhất là kỳ vọng cải thiện chung về xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, kiều hối, cũng như duy trì sự ổn định chung về giá cả…”, ông Phong cho biết.

Trong khi đó, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ những thuận lợi đến từ những cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón nhận dòng vốn từ nước ngoài gắn với xu hướng hồi phục kinh tế thế giới nêu trên, cũng như từ cộng hưởng hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai hoặc sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhất là từ chính sách giảm thuế (thuế thu nhập DN từ 1/1/2014 là 222% và sẽ giảm còn 20% kể từ ngày 1/1/2016).

Đặc biệt, cơ hội kinh doanh trong nước cũng sẽ đậm hơn nhờ việc giảm lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, trong đó có mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch. Bên cạnh đó, niềm tin tiền đồng sẽ tiếp tục được giữ vững; lạm phát sẽ được kiểm soát...

Xuất khẩu cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến. Hơn nữa, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng thiết yếu, nên ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt (Mỹ, EU...) khi người tiêu dùng tại các thị trường này tiết giảm chi tiêu.

Đồng thời, việc ký kết những FTA khu vực và liên khu vực mà Việt Nam đang tham gia đàm phán cũng sẽ tăng cơ hội xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều việc làm và thu nhập hơn cho DN và nền kinh tế.

“Những cơ hội lòng tin phục hồi kinh tế Việt Nam được ghi nhận bởi giới quan sát quốc tế, cũng như từ bản thân cộng đồng DN”, ông Phong cho biết. Theo đó, khảo sát tháng 11/2013 của VCCI cho thấy, hơn 83,6% lãnh đạo DN tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan trước dự báo về doanh thu của DN trong năm 2014 sẽ cao hơn so với năm 2013, trong khi chỉ chưa tới 5% dự đoán tình hình kinh doanh năm tới sẽ xấu đi.

“Những con số khả quan trên chính là những động lực tích cực giúp các DN VNR500 nói riêng và cộng đồng giới kinh doanh Việt nói chung có thêm niềm tin để tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong tương lai”, ông Phong nhấn mạnh.

Phương Linh

Thời báo ngân hàng