Trực tuyến ĐHĐCĐ Ngân hàng SCB: Chủ tịch và Phó đều xin từ nhiệm

Trực tuyến ĐHĐCĐ Ngân hàng SCB: Chủ tịch và Phó đều xin từ nhiệm

Sáng 17/03, ĐHĐCĐ thường niên 2014 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thông qua việc từ nhiệm của bà Nguyễn Thị Thu Sương - Chủ tịch HĐQT và ông Trầm Thích Tồn - Phó Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, nhiều khả năng bà Nguyễn Thị Thu Sương vẫn ở lại ngân hàng với vai trò cố vấn HĐQT.

12h55: Ông Đinh Văn Thành - Thành viên HĐQT SCB - được bầu làm Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Thu Sương có thể vẫn ở lại SCB với vai trò mới là cố vấn HĐQT. Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

Được biết ông Đinh Văn Thành từng làm việc tại Công ty Quản lý Nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Phương Nam - SouthernBank (PNB). Từ năm 2009 ông về làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đệ Nhất - Ficombank (FCB) và giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng này từ năm 2010. Sau khi Đệ Nhất sáp nhập vào SCB, ông giữ chứcThành viên HĐQT SCB cho đến nay.

Ông Đinh Văn Thành - Tân Chủ tịch HĐQT SCB phát biểu tại đại hội

Như vậy danh sách HĐQT của SCB gồm các thành viên:

  1. Ông Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT)
  2. Ông Lee George Lam (Phó Chủ tịch thứ nhất)
  3. Ông Võ Thành Hùng (Phó Chủ tịch HĐQT)
  4. Bà Nguyễn Thị Phương Loan (Thành viên HĐQT độc lập)
  5. Ông Võ Tấn Hoàng Văn (mới trúng cử - Tổng giám đốc SCB - Thành viên HĐQT)
  6. Ông Tạ Chiêu Trung (mới trúng cử Thành viên HĐQT - Tổng giám đốc Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú)

* Nhân vật: Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB

* Ông Đinh Văn Thành - Tân Chủ tịch Ngân hàng SCB là ai?

* Ông Tạ Chiêu Trung - TGĐ Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú trúng cử HĐQT Ngân hàng SCB

09h50: Kế hoạch tăng vốn thêm 2,000 tỷ từ nguồn ủy thác nước ngoài

Đại diện ngân hàng trình bày phương án tăng vốn điều lệ trong trường hợp không thể tăng vốn cấp 2 bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài, ngân hàng dự kiến tăng vốn thêm 2,000 tỷ đồng lên 14,295 tỷ đồng bằng cách phát hành riêng lẻ 200 triệu cp cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước với giá bán theo thỏa thuận giữa SCB và các nhà đầu tư.

Trong trường hợp không thể tăng vốn cấp 2 bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài như kế hoạch, SCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính dự kiến trước 31/12/2014.

Với nguồn vốn tăng thêm, SCB sẽ sử dụng 250 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn kinh doanh, 255 tỷ đầu tư hiện đại hóa công nghệ thông tin, 45 tỷ đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh và 1,450 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

* Cổ đông ngoại liên tục tham gia quá trình tăng vốn tại Ngân hàng SCB là ai?

* SCB chuẩn bị đón cổ đông ngoại

* SCB chào bán riêng lẻ 300 triệu cp giá 10,000 đồng/cp

Về kế hoạch thành lập hoặc mua mới 1 công ty bảo hiểm với tỷ lệ góp vốn tối thiểu 51% sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc ngân hàng cho biết SCB sẽ thiên về hướng mua lại một công ty bảo hiểm và dự kiến công ty này sẽ có vốn khoảng 350 tỷ đồng

Tại đại hội, đại diện ngân hàng cho biết trước đây SCB từng áp dụng lãi suất huy động hấp dẫn để giữ khách hàng. Tuy nhiên, đến giai đoạn ngân hàng đã tự chủ được hoạt động kinh doanh, việc giảm lãi suất sẽ là điều đương nhiên. Đại diện SCB cũng cho biết, từ đầu năm đến nay ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất và lần gần đây nhất là vào ngày 15/03/2014, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của SCB đã giảm từ 7% xuống 6.8%. Được biết, trong những ngân hàng thuộc top đầu của hệ thống, SCB vẫn là ngân hàng có lãi suất huy động khá cao trong khi lãi suất tương đương tại Vietcombank là 5%. Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong những ngày tới.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2014, SCB đặt chỉ tiêu huy động khách hàng tăng 28% lên gần 188,100 tỷ đồng. Cho vay dự kiến tăng 76% lên 156,988 tỷ đồng với tỷ lệ nợ quá hạn dưới 5% và nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch đạt 121 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm trước.

08h55: Lợi nhuận trước thuế 60 tỷ, bằng 16% kế hoạch 2013

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB trình bày kết quả đạt được trong năm 2013, trong đó lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2012 (77 tỷ đồng) và bằng 16% kế hoạch năm (386 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản của ngân hàng đạt 181,019 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Huy động từ khách hàng của SCB cũng tăng 61% lên 147,098 tỷ đồng.

Về khoản vay tái cấp vốn NHNN, trong năm 2013, SCB đã chi trả 11,922 tỷ đồng khoản vay tái cấp vốn, trong đó tiền gốc là 9,772 tỷ và lãi 2,150 tỷ đồng. Như vậy, SCB đã hoàn thành sớm việc chi trả toàn bộ các khoản vay tái cấp vốn với tổng giá trị 21,804 tỷ, trong đó gốc là 19,250 tỷ và lãi 2,554 tỷ đồng.

Đại diện ngân hàng cho biết, về khoản vay tái cấp vốn mà SCB báo cáo là khoản tái cấp vốn liên quan đến quá trình tái cơ cấu ngân hàng, đây là khoản cho vay có điều kiện, thuộc đối tượng đặc biệt thuộc diện giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, khi hợp nhất xong và bước sang giai đoạn mới, ngân hàng nhanh chóng trả khoản này để khôi phục hoạt động kinh doanh, đây cũng là trách nhiệm trả nợ của SCB vì NHNN đã hỗ trợ cho việc hợp nhất 3 ngân hàng.

* Ngân hàng SCB: Lãi trước thuế 2013 bằng 16% kế hoạch, nợ xấu 1.63%

* HĐQT Ngân hàng SCB đặt kế hoạch lãi trước thuế 121 tỷ đồng năm 2014, sẽ lập công ty bảo hiểm

8h30: Đại hội khai mạc với tỷ lệ tham dự 93.68% cổ đông có quyền biểu quyết.


ĐHĐCĐ thường niên SCB diễn ra sáng 17/03 tại TPHCM.

Chủ tịch và Phó Chủ tịch cùng từ nhiệm, Sếp Tổng SCB và Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú được ứng cử.

Theo thông tin tờ trình tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông đơn xin từ nhiệm của bà Nguyễn Thị Thu Sương - Chủ tịch HĐQT và ông Trầm Thích Tồn - Phó Chủ tịch HĐQT. Bà Thu Sương cho biết vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục làm Thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2012 - 2017. Do đó bà Thu Sương xin từ nhiệm trong nhiệm kỳ này.

Được biết, cả bà Sương và ông Tồn đều cùng từng công tác tại CTCP Đầu tư Vạn Thịnh Phát, CTCP Đại Trường Sơn trước khi chuyển qua giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch SCB. Riêng bà Sương từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank). Sau khi ngân hàng này cùng Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) sáp nhập vào SCB thì bà Sương tiếp tục giữ chức Chủ tịch tại ngân hàng sau sáp nhập.

* ĐHĐCĐ của SCB, TinNghiaBank và Ficombank thông qua việc hợp nhất

* Chủ tịch Ficombank giữ chức Chủ tịch SCB hợp nhất

* Sau hợp nhất, SCB tiếp tục cơ cấu HĐQT

Theo đó, Đại hội dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT với danh sách ứng cử đã được NHNN thông qua gồm ông Võ Tấn Hoàng Văn và ông Tạ Chiêu Trung. Ông Võ Tấn Hoàng Văn hiện là Tổng giám đốc SCB và ông Tạ Chiêu Trung là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú.

Trước đó, thành viên HĐQT của SCB nhiệm kỳ 2012 - 2017 có 6 thành viên, bao gồm:

  1. Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch)
  2. Ông Lee George Lam
  3. Ông Đinh Văn Thành
  4. Ông Võ Thành Hùng
  5. Ông Trầm Thích Tồn
  6. Bà Nguyễn Thị Phương Loan

Do 2 thành viên HĐQT từ nhiệm nên sẽ xem xét bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017.

Minh Hằng

công lý