TTCK phái sinh VN: Mở đầu với Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và TPCP

TTCK phái sinh VN: Mở đầu với Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và TPCP

* UBCK cố gắng đưa hai sản phẩm trên vận hành trong năm 2015 và chậm nhất là đầu năm 2016.

Tại Hội thảo Cơ hội đầu tư các sản phẩm mới của TTCK Việt Nam sáng 25/03, Tiến sỹ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường - UBCK, cho biết hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và dựa trên Trái phiếu Chính phủ (TPCP) sẽ là sản phẩm giao dịch ban đầu của TTCK phái sinh Việt Nam.


Hội thảo Cơ hội đầu tư các sản phẩm mới của TTCK Việt Nam

Nguyên nhân lựa chọn hai sản phẩm trên để mở đầu cho vận hành TTCK phái sinh, ông Sơn chia sẻ từ kinh nghiệm các nước bạn và bản thân TTCK Việt Nam, trong giai đoạn sơ khai của thị trường chứng khoán phái sinh cần đi từ những bước đơn giản tới phức tạp. Trong khi đó, các chỉ số do Sở GDCK xây dựng như VN30, HNX30, Largecap, Midcap…, được tính toán bởi bình quân gia quyền cổ phiếu nên tính biến động của nó đơn giản và không phức tạp như biến động cổ phiếu. Thứ hai, trái phiếu chính phủ vốn là sản phẩm tương đối ít rủi ro. Bởi vậy, hợp đồng tương lai dựa trên hai hàng hóa này được lựa chọn để mở đầu cho việc ra đời của TTCK phái sinh.

Ông Sơn cho biết, UBCK sẽ cố gắng để các sản phẩm đơn giản của TTCK phái sinh đi vào hoạt động trong năm 2015 và chậm nhất là vào đầu năm 2016. Sau các sản phẩm đơn giản được vận hành ổn định, khoảng 1 đến 2 năm sau sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số và cổ phiếu. Bên cạnh đó, để có thị trường phái sinh bắt buộc có sự ra đời của thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) tại VSD-CCP.

Hiện nay, UBCK đang gấp rút xây dựng khung pháp lý cho TTCK phái sinh gồm Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính và Quy chế cho Sở hợp nhất từ Sở GDCK TPHCM và Hà Nội. Song song với đó là hoàn thiện hệ thống giao dịch, giám sát, thanh toán, bù trừ và công bố thông tin.

Mặt khác, để TTCK phái sinh hoàn thiện hơn, cần thay đổi một số chuẩn mực kế toán trong hạch toán theo giá trị hợp lý (giá thị trường) thay vì giá gốc như hiện tại; nới lỏng bán khống, thị trường phái sinh cho phép bán khống có căn cứ; hoàn thiện hệ thống vay và cho vay chứng khoán để xử lý trong trường hợp thiếu hụt khi bán khống.

Tuy nhiên, để có nền tảng cần thiết cho TTCK phái sinh cần phải điều chỉnh văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán, Luật liên quan đến Ngân hàng Nhà nước, Luật thương mại để có được tính thống nhất. Bởi các sản phẩm cơ sở như hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ đang được quản lý bởi ba ban ngành khác nhau là Bộ công thương, Bộ Tài chính và UBCK, Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, vấn đề thuế, phí trong giao dịch sản phẩm phái sinh cũng cần xem xét. UBCK ngiên cứu sát với thị trường phái sinh của Hàn Quốc, ở đó không đánh thuế cho các sản phẩm phái sinh và họ chỉ đánh thuế khi phát sinh khoản thu nóng. Nhưng Luật Thuế Việt Nam không cho phép miễn thuế trong đầu tư tài chính. Do vậy, UBCK sẽ cần thời gian để thuyết phục Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thay đổi Luật Thuế.

Mỹ Hà ghi

Công lý