ĐHĐCĐ HCM: Kế hoạch lãi 341 tỷ, thị phần môi giới giảm 5% năm 2014

ĐHĐCĐ HCM: Kế hoạch lãi 341 tỷ, thị phần môi giới giảm 5% năm 2014

Chiều ngày 17/04, ĐHĐCĐ thường niên 2014 của CTCP Chứng Khoán Tp.Hồ Chí Minh – H.S.C (HOSE: HCM) đã thông qua kế hoạch năm 2014 với tổng doanh thu 744.76 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 341.49 tỷ đồng, đều tăng trưởng so với thực hiện 2013; cổ tức bằng tiền mặt dự kiến khoảng 12%.

Trong kế hoạch năm 2014, HCM đặt mục tiêu mức thị phần đạt 11.6%, tức giảm 5% so với thực tế năm 2013; trong đó, khách hàng cá nhân chiếm 7.5% và tổ chức là 4.1%.

Việc đưa kế hoạch kinh doanh, thị phần môi giới trong năm 2014 là dựa trên căn cứ vào giá trị giao dịch thị trường bình quân trong quý 1/2014 đạt mức 3,200 tỷ đồng/ngày. Cũng như Ban điều hành dự đoán giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường năm 2014 ở mức 2,500 tỷ đồng/ngày, tăng 79% so với giá trị giao dịch bình quân của năm 2013 là 1,400 tỷ đồng/ngày.

Doanh thu lớn nhất năm 2014 của HCM dự kiến tiếp tục đến từ môi giới khách hàng cá nhân với 387.95 tỷ đồng, chiếm 52% tổng doanh thu. Còn khối khách hàng tổ chức đạt 129.8 tỷ đồng, chiếm 17.4% tổng doanh thu. Chỉ tiêu của hai khối này tăng lần lượt 47% và 7% so với thực hiện 2013.

Các chỉ tiêu khác như tư vấn tài chính doanh nghiệp, tự doanh và ngân quỹ lần lượt là 33 tỷ đồng, 132.5 tỷ đồng và 61.54 tỷ đồng. Trong đó, bộ phận ngân quỹ giảm 57% so với thực hiện năm 2013 do xu hướng lãi suất tiền gởi và lợi suất trái phiếu giảm cũng như việc phân bổ lại nguồn vốn cho phù hợp với điều kiện thị trường sôi động.

Với những kế hoạch này, trao đổi với chúng tôi, ông Johan Nyvene cho biết hoạt động đầu tư sẽ là biến số lớn đối với công ty trong năm 2014.

Cần sự lý giải về sụt giảm thị phần môi giới

Ngay trước khi đại hội bắt đầu diễn ra, CTCP Chứng khoán TPHCM đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2014 trên website với doanh thu đạt 226.48 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 130.32 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 30% và 35% kế hoạch năm.

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, thị phần môi giới quý 1/2014 của công ty là 10.5%, trong đó, thị phần khách hàng cá nhân là 7.8% và khách hàng tổ chức ở mức 2.5%. Còn thị phần môi giới chung được HOSE và HNX công bố thì HCM đạt lần lượt 11.35% trên HOSE và 8.25% trên HNX (giảm tương ứng 1.49% và 0.94% so với cùng kỳ 2013).

Trước câu hỏi về sự sụt giảm thị phần của HCM cũng như cần lý giải kết quả giữa HCM và SSI (CTCK Sài Gòn), Đại diện Ban chủ tọa cho biết mặc dù quý 1/2014 có sụt giảm 1% trên HNX và 1.5% trên HOSE nhưng vẫn ở mức cao. Mảng kinh doanh cốt lõi của HCM là khách hàng cá nhân vẫn giữ được thị phần ở mức 7.5% của cả thị trường. Hơn nữa, quý 1/2014 thị phần của HCM trong mảng này còn tăng lên 7.8%. Phần suy giảm là thị phần của nhà đầu tư tổ chức do trong năm 2013 giao dịch của khối này đã tăng đột biến nhờ vào những giao dịch thỏa thuận lớn.

Đầu năm 2014, thị phần giao dịch của khối khách hàng tổ chức nước ngoài giảm xuống còn 24% tổng giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Theo đại điện ban chủ tọa nhận định mức giảm này là giảm về mức bình thường chứ không phải mất khách hàng (năm 2013 thực hiện được những giao dịch thỏa thuận lớn có liên quan đến VNM, MSN, KDC,… Đầu năm 2014 chưa có giao dịch thỏa thuận nào lớn như vậy).

Ông cũng cho biết thêm, mức thị phần mà HCM đặt ra trong năm 2014 là 11.6% là mức cao trong thị trường và HCM có thể duy trì được. Việc các đối thủ cạnh tranh có tăng lên 12% thì HCM cũng không lấy làm lo ngại.

HCM cũng cho biết là rất vui mừng khi mà các công ty chứng khoán khác đang dần dần có một vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, nhờ việc này sẽ giúp sự phân hóa thị trường trở nên rõ nét hơn (mong muốn 10 công ty đứng đầu thị trường có thể chiếm 70 – 80% thị phần) vì không muốn thấy sự cạnh tranh của các công ty chứng khoán “cỏn con”. Số công ty chứng khoán còn lại chiếm thị phần càng ngày càng nhỏ hơn thì càng tốt.

Về so sánh doanh thu – lợi nhuận SSI và HCM. Ban chủ tọa cho biết, cơ cấu doanh thu của HSC chủ yếu là mảng môi giới chiếm trên 60% còn SSI nguồn thu chủ yếu từ tự doanh. Do TTCK quý 1/2014 tăng mạnh nên doanh thu và lợi nhuận của SSI cao hơn. Bên cạnh đó, SSI có nguồn vốn lớn gần gấp đôi HCM nên mức doanh thu cao hơn cũng có phần hợp lý.

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến quý 1/2014, cổ đông cũng có ý kiến về giá trị sổ sách chứng chỉ quỹ là 165 tỷ đồng và khoản lãi từ chênh lệch giá chưa thực hiện hóa 57 tỷ đồng. Và khoản chưa thực hiện hóa này đã được đưa vào lợi nhuận năm 2014 chưa?

Ban chủ tọa cho biết cuối năm 2013 chứng chỉ quỹ còn giá trị sổ sách là 165 tỷ đồng và lãi chưa ghi nhận 57 tỷ đồng. Trong 57 tỷ đồng này, một phần đã được hiện thực hóa trong quý 1/2014 và cuối quý 1 còn lại 31 tỷ chưa hiện thực hóa, khoản này sẽ được hiện thực hóa đầu quý 2.

ĐHĐCĐ đã thông qua các tờ trình về báo cáo tài chính năm 2013, tỷ lệ cổ tức đợt 2/2013, kế hoạch cổ tức năm 2014, phân phối lợi nhuận năm 2013, chọn công ty kiểm toán 2014 và điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nươc ngoài.

Duy Hoàng

Công lý