Doanh nghiệp muốn cổ đông Nhà nước nắm ít vốn hơn

Doanh nghiệp muốn cổ đông Nhà nước nắm ít vốn hơn

Để có thêm nhà đầu tư chiến lược, nguồn vốn mới... nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn liên tục thúc giục cổ đông Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu.

Doanh nghiệp đề xuất cổ đông Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu. Ảnh: ĐTCK.

Trong đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức gần đây, Hội đồng quản trị Tổng công ty Khí Việt Nam-PV GAS (Mã CK: GAS) cho biết, từ nay đến 2015 công ty sẽ tiến hành tái cấu trúc bằng cách thoái vốn ra khỏi một số công ty, đặc biệt PV-GAS đang đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) rút bớt vốn để công ty có thêm đối tác chiến lược và nguồn vốn mới đầu tư cho các mỏ khí.

Theo đó, thời gian tới PetroVietnam sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PV GAS từ 97% xuống 75%.

Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Đỗ Khang Ninh cho hay, việc tập đoàn dầu khí sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PV GAS không gây ảnh hưởng gì cho công ty mà còn giúp công ty có thêm nguồn vốn lớn để đầu tư. Dù vậy, phương án này cũng phải chờ Thủ tướng quyết định.

Trong năm 2014, công ty đặt kế hoạch doanh thu 62.444 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.616 tỷ đồng (giảm hơn 30%), cổ tức 33%. Hiện vốn chủ sở hữu đến ngày 30/12/2013 là 33.461 tỷ đồng.

Tương tự PV-GAS, mới đây Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt đã đề xuất phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ và chào bán cho đối tác chiến lược. Dự kiến tập đoàn này sẽ phát hành thêm 40-61,5 triệu cổ phần, tương đương 400-615 tỷ đồng theo mệnh giá.

Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt – ông Dương Đức Chuyển cho biết, hiện kế hoạch này vẫn trong quá trình lựa chọn, tìm kiếm đối tác. Lãnh đạo này cũng bày tỏ kỳ vọng cổ đông chiến lược sẽ là “nhà đầu tư nước ngoài, có năng lực tài chính để giúp công ty trong một số lĩnh vực”.

Theo kế hoạch, hạn chót để Bảo Việt phát hành số cổ phần trên trước ngày 31/3/2015 cho 1-3 nhà đầu tư. Nguyên tắc xác định giá là theo thỏa thuận giữa hai bên, dựa trên giá thị trường và giá trị sổ sách tại thời điểm kết thúc quý gần nhất.

CEO Bảo Việt cho rằng khi đến với doanh nghiệp, các đối tác này đã phải xác định chiến lược dài hạn và tập đoàn cũng sẽ không đưa ra ưu đãi nào về giá. “Quan điểm của chúng tôi là không có chuyện chiết khấu giá mua thấp hơn giá thị trường. Phải theo giá thị trường hoặc sổ sách”, ông Chuyển chia sẻ.

Nếu đợt phát hành thành công, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt sẽ giảm dần từ hơn 71% xuống còn 65%. Sau đợt chào bán, dự kiến vốn điều lệ tập đoàn tăng thành 7.205-7.420 tỷ đồng. Khoảng 2.000 tỷ đồng sẽ được Bảo Việt bổ sung cho các công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ dịch vụ tài chính. Ngoài ra, tập đoàn cũng dành 400 tỷ đồng cho công ty mẹ nhằm đầu tư vào công nghệ thông tin. Hiện Bảo Việt có vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2013 đạt 12.119 tỷ đồng.

Dù không có quy mô vốn lớn như 2 doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Sacom (Mã CK: SAM), đơn vị dẫn đầu trong sản xuất dây đồng và cáp quang cũng sẽ giảm bớt vốn Nhà nước. Theo ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho hay, năm nay cổ đông Nhà nước (đơn vị giữ 30% vốn) sẽ thoái vốn khỏi đơn vị này. Để không bị thâu tóm như một số công ty khác trên thị trường, HĐQT công ty sẽ tìm hiểu đối tác một cách thận trọng và cố gắng huy động số vốn tối đa để giữ thêm cổ phần.

Ngoài khối bảo hiểm, doanh nghiệp sản xuất, thời gian qua, một số nhà băng cũng lên kế hoạch xin giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước, điển hình nhất là Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) giảm từ 95,76 về 65%. Theo đó, nhà băng này dự kiến sẽ bán 30% vốn cho tối đa 2 nhà đầu tư (một nhà đầu tư chiến lược và một nhà đầu tư tài chính).

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Thăng Long – Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, hầu hết các doanh nghiệp từng do Nhà nước chi phối nhưng sau này giảm dần tỷ lệ sở hữu và chuyển sang hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài đều đạt kết quả tốt hơn.

“Trên sàn chứng khoán cũng có nhiều doanh nghiệp niêm yết từng đi theo con đường này, điển hình như VNM, PVD hay REE, trong vòng vài năm là phát triển rất tốt. Tôi nghĩ chủ trương này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp”, ông Long chia sẻ.

Sau khi chấp nhận bán cổ phiếu cho khối ngoại, quyền biểu quyết của cổ đông Nhà nước sẽ bị giảm đi nhiều. Nhưng chuyên gia BSC cho rằng đó là chuyện bình thường, vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

Về việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể dẫn tới tình trạng bị thâu tóm, mất quyền kiểm soát đối với công ty, ông Long cho rằng thực chất vấn đề nằm ở chỗ mâu thuẫn quyền lợi giữa các cổ đông nội, ngoại. Kể cả khi không có cổ đông nước ngoài, ngay ở một số doanh nghiệp vẫn xuất hiện xung đột quyền lợi. Nhiều khi nội bộ lãnh đạo không quan tâm đến thị trường chứng khoán, chỉ tới lúc trước thềm đại hội cổ đông bỗng nhiên xuất hiện một nhóm nhà đầu tư là cổ đông lớn mới thì mới biết. Mâu thuẫn cũng từ đây mà ra. Hiện tượng này diễn ra ngay trong nước chứ không riêng gì với cổ đông nước ngoài, ông Long kể.

“Thực ra cổ đông nước ngoài hay trong nước cũng đều là nhà đầu tư như nhau. Nhưng doanh nghiệp mới sẽ được chuyển sang mô hình hoạt động tốt hơn. Nhiều đơn vị sau khi bán vốn cho cổ đông nước ngoài rõ ràng có kết quả kinh doanh đi lên”, chuyên gia BSC nhận định.

Cùng chung quan điểm trên, ông Tào Minh Dương – Giám đốc Khối dịch vụ Ngân hàng đầu tư tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bày tỏ quan điểm ủng hộ xu thế giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài. “Các công ty cổ phần hóa xong, hoạt động có thể cải thiện hơn so với trước. Nhưng tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn còn cao thì sự đổi mới cũng chưa nhiều và vẫn bị ảnh hưởng bởi cung cách quản lý cũng như văn hóa cũ”, ông Dương chia sẻ.

Theo chuyên gia này, nhà đầu tư nước ngoài cần được nhìn nhận, quan niệm bình đẳng hơn. Quan trọng là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân và đóng đủ thuế cho Nhà nước, kích thích phát triển sản xuất.

Hơn nữa, “hiện thời công ty đại chúng cũng có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%, nghĩa là cũng có biện pháp khống chế. Khi đã hội nhập quốc tế, mình không thể phân biệt đối xử. Cái đích cuối cùng vẫn là hoạt động sản xuất phát triển”, ông Dương nhấn mạnh.

Trong Nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành về giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng thuộc khối thương mại Nhà nước đều không được bán hơn 35% cổ phần. Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại và vai trò với sự phát triển cả ngành để xác định tỷ lệ duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng không được quá 65%. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét việc nới rộng tỷ lệ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Tường Vi - Hồng Châu

vnexpress