Nga hướng sang Đông Á

Nga hướng sang Đông Á

Trong khi Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á thì Nga lại áp dụng chính sách xoay trục sang Đông Á. Điều tiên đoán của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về "thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á" đang được hiện thực hóa ngày một rõ nét.

Nga hướng Đông để đa dạng hóa thị trường XK năng lượng

Khi châu Âu đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng của mình rời xa khỏi Nga, Moscow đã chuyển hướng sang các nền kinh tế "khát" năng lượng của châu Á để tìm kiếm thị trường xuất khẩu dầu khí. Các kết nối trên đất liền và trên biển cho phép vùng Viễn Đông Nga tiếp cận với các nền kinh tế lớn của Đông Bắc Á, nơi có các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới - Nhật Bản và Trung Quốc - và cũng là nơi có Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới. Tiêu điểm hướng Đông của Nga tập trung vào 3 nền kinh tế này, với sự quan tâm mạnh mẽ đến việc đảm bảo các thỏa thuận với Trung Quốc. Nhật Bản đã nhập khẩu 10% nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng của mình từ Nga, và con số này sẽ tăng lên khi Nhật Bản đa dạng hóa nguồn cung rời xa khỏi Trung Đông.

Dù tiêu điểm của Nga ở châu Á xưa nay là hai nền kinh tế hàng đầu Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng hiện Hàn Quốc là một khu vực quan tâm chính. Thị trường năng lượng lành mạnh của Hàn Quốc và tiềm năng đầu tư vào Viễn Đông Nga khiến các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Hàn Quốc hấp dẫn Nga. Tháng 11-2013, Nga đã ký 25 thỏa thuận song phương với Hàn Quốc và cũng đang tìm kiếm sự kết nối về đường sắt và đường ống dẫn dầu. Mặc dù vậy, Trung Quốc, với tiềm năng phát triển khổng lồ và rất cần năng lượng, mới là mục tiêu hàng đầu của Nga. Tháng 10-2013, hai công ty sở hữu nhà nước của Nga, Rosneft và Novatek, đã ký các thỏa thuận năng lượng lớn với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Rosneft sẽ cung cấp 200.000 thùng dầu/ngày trong thập kỷ tới, còn Novatek sẽ cung cấp 4,5 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng/năm sau khi giai đoạn cuối hoàn tất vào năm 2017. Nga cũng đã ký một thỏa thuận về việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tham gia dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal do Novatek dẫn đầu, cùng với tập đoàn Total của Pháp.

Tuy là các thị trường sinh lợi cho xuất khẩu năng lượng của Nga, nhưng Nhật Bản và Trung Quốc cũng là các cường quốc chính có khả năng đe dọa những lợi ích của Nga ở Thái Bình Dương và trên vùng đất rộng lớn Âu Á. Nga đã bắt đầu tìm kiếm những liên minh khác trong khu vực nhằm với tới các thị trường xuất khẩu mới cho nguồn năng lượng dồi dào của mình, đồng thời cân bằng với các thỏa thuận của Nga với Trung Quốc. Và Ấn Độ nổi lên là một đối tác đầy tiềm năng. Bên cạnh một loạt thỏa thuận về vũ khí trong thập kỷ qua, Nga đã theo đuổi các thỏa thuận năng lượng với Ấn Độ - một thị trường mới đầy tiềm năng cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nước này sẽ vươn lên vị trí thứ ba vào năm 2020. Tiêu thụ khí tự nhiên của Ấn Độ đã tăng 10%/năm từ 2001 - 2010, đạt mức 2.300 tỷ m3 (25% là khí tự nhiên hóa lỏng), và việc tiêu thụ này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Ấn Độ ước đạt 6,2% năm 2014-2015, và nhập khẩu năng lượng sẽ cần phải tăng tương ứng qua thời gian.

Nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu thô và khí tự nhiên được xuất khẩu qua đường ống dẫn sang phương Tây. Trong khi Tây Âu đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga, thì châu Á đang khát năng lượng là lựa chọn dễ hiểu. Nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang phương Đông được cho là khá khả thi khi các nền kinh tế Đông Bắc Á đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng những thị trường như vậy chỉ tạo thành một phần tiềm năng mà Moscow thấy ở châu Á. Ở phía Nam cũng ngày càng có nhiều nước tiêu thụ nhiều năng lượng.

Bạch Dương

hải quan