Nợ công - chuẩn hóa và minh bạch

Nợ công - chuẩn hóa và minh bạch

Đối với nhiều quốc gia, vay nợ nước ngoài để đầu tư phát triển là điều không tránh khỏi. Thế nhưng vay làm sao để đầu tư hiệu quả và có những phương án kế hoạch trả nợ minh bạch, rõ ràng mới là điều quan trọng. Một đồng vốn vay nợ khi tung ra đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng đến khả năng trả nợ và hiệu quả. Nếu không, nợ công sẽ dày lên.

Nợ công ở ngưỡng nào?

Theo kế hoạch của năm 2014, Chính phủ tiếp tục vay trong nước 367.000 tỉ đồng. Nhưng quan trọng hơn là con số phải trả nợ cũng lên tới 208.883 tỉ đồng (cả bao gồm trả nợ trong nước là 159.683 tỉ đồng). Trong đó, phần chi trả nợ trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước là 92.323 tỉ đồng và thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn. Riêng phần nợ phải trả nước nước ngoài lên tới 49.200 tỉ đồng. Trong đó, nghĩa vụ trả nợ của các chương trình, dự án được cấp phát từ ngân sách nhà nước là 26.427 tỉ đồng và chi trả nợ của các khoản vay về cho vay lại là 22.773 tỉ đồng...

Trong khi đó theo đồng hồ nợ công toàn cầu, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 80,070 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD (gần 20 triệu đồng/người); nợ công chiếm 48,0% GDP, tăng 11,2% so với năm 2013. Theo TS Phạm Thế Anh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, nợ công Việt Nam đã lên đến khoảng 90 tỉ USD, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước thì khoảng 180 tỉ USD. Chỉ cần tính sơ bộ vay nợ ở một nửa 45 tỷ USD, lãi suất trung bình 10%/năm thì mỗi năm nền kinh tế phải bỏ ra khoảng 4-5 tỉ USD trả lãi. Khoảng 45 tỉ USD vay nước ngoài, lãi suất trung bình 2,5%/năm thì mỗi năm cần trên 1 tỉ USD nữa trả lãi. Như vậy, chưa tính trả gốc, riêng tiền trả lãi trung bình đã cần khoảng 6 tỉ USD/năm.

Thời gian gần đây, những cảnh báo về nợ công vượt ngưỡng an toàn liên tục được đưa ra. Và dù các số liệu nợ công dẫn ra có phần khác nhau nhưng lại chung một gốc: nợ công ngày càng tăng tiến. Nếu so sánh số nợ công bình quân đầu người Việt Nam phải trả là 886,36 USD chưa cao như các nước Nhật Bản, Mỹ, Pháp…. Thế nhưng việc quản lý nợ công và hiệu quả vay vốn nước ngoài, diễn tiến trả nợ công ra sao mới quan trọng. Thông điệp nợ công được đưa ra để nhắc nhở và tính toán cần phải cân đối lại thu chi ngân sách, quản lý việc sử dụng các đồng tiền đi vay nợ không để cho tiền đi vay nợ về đầu tư không bị thất thoát, bị lãng phí tham ô.

Không phải là ru ngủ

Đối với một nền kinh tế đang phát triển, nhất là đặt trong bối cảnh Việt Nam có nhiều điểm nghẽn tăng trưởng thì việc phải đi vay nợ để đầu tư là điều bất khả kháng. Việc phải đi vay nợ cũng giống như câu chuyện không thể không cho bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3%. Mà thực tế ngân sách đã bội chi ở mức này từ năm 2013.

Câu chuyện nợ công vì vậy nên xem xét ở khía cạnh sử dụng nợ công như thế nào. Một đồng vốn vay nợ khi tung ra đầu tư phát triển cần hiểu đó phải được cân nhắc thật kỹ. Dự án đó phải xét đến khả năng trả nợ và hiệu quả tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, đại diện Cục Quản lý nợ khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế công bố con số nợ công của năm 2013. Theo đánh giá của Bộ này, nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, do nằm dưới 60%/GDP. Theo số liệu chính thức của Chính phủ, nợ công Việt Nam tính đến hết năm 2012 chiếm 55,7% GDP.

Những con số mà Bộ Tài chính đưa ra, là một lời ru ngủ, bởi đã nợ thì phải trả. Nếu đi vay mà nguồn vốn tiếp tục được sử dụng không hiệu quả thì sẽ hết sức nguy hiểm cho nền kinh tế. Xa hơn nữa, khi nợ không trả được thì nền kinh tế mất quyền tự chủ trong việc ban hành các chính sách.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, là diễn giả trình bày tham luận "Làm thế nào để hạn chế rủi ro nợ công” được diễn ra vào ngày mai 17-4, cho rằng bản chất vẫn phải minh bạch và chuẩn hóa nợ công. Khi nền kinh tế xác định được chính xác con số nợ công ra sao thì mới có thể giải quyết được tận gốc nợ công. Chúng ta không thể so sánh một quả táo với một quả cam, mà phải so sánh quả cam với quả cam tìm sự tương đồng. Khi Việt Nam muốn tính nợ công theo GDP thì có nghĩa là tính toán theo kiểu nước nổi thuyền lên, né tránh các ranh giới cảnh báo.

"Điều sâu xa nhất mà mọi người quan tâm là làm thế nào để hạn chế rủi ro nợ công” Để nợ công không linh hoạt biến hóa vào các khoản thuế? Ông Hiếu trả lời: phải quản lý được nợ công ở cấp địa phương. Mà diễn giải ra dễ hiểu chính là phần nợ đọng xây dựng đang tồn lại ở các cấp cơ sở xây dựng trụ sở, xây dựng cầu đường. Vì địa phương nợ Trung ương, tấm bánh ngân sách Trung ương lại hạn chế, dẫn đến Chính phủ phải đi vay nợ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Bản chất của nợ công không xấu, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế khi không được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ. Trên thế giới, một số quốc gia còn có mức nợ công/GDP cao hơn Việt Nam. Ví dụ như Nhật Bản, nợ công của đất nước này đang ở mức trên 200%. Tuy nhiên, con số nợ công chỉ là hiện tượng, còn bản chất nằm ở việc quốc gia đó có khả năng chi trả nợ công hay không, hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước như thế nào? Câu trả lời này tương đối khó đối với bối cảnh của Việt Nam hiện tại, khi mà doanh nghiệp được "nuông chiều”, được nhà nước đứng ra trả nợ giúp và đầu tư công vẫn rất kém hiệu quả, theo bà Phạm Chi Lan.

Thúy Hằng

đại đoàn kết