Thận trọng với bỏ trần lãi suất huy động

Thận trọng với bỏ trần lãi suất huy động

Gần đây, nhất là sau động thái giảm đồng loạt các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số chuyên gia lại lên tiếng về việc bỏ trần lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam (VND). Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy, việc bỏ trần lãi suất huy động VND thời điểm này là chưa hợp lý, cần phải chọn lộ trình và thời điểm thích hợp.

Thực tế, với quyết định giảm lãi suất của NHNN áp dụng từ 18-3-2014, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tiếp tục duy trì và quy định mức lãi suất hợp lý (6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng còn 1%/năm) để định hướng kỳ vọng lạm phát và bảo đảm tính linh hoạt trong áp dụng. Cụ thể là đối với những ngân hàng thương mại (NHTM) có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, có thể ấn định mức lãi suất thấp xa so với mức trần, trong khi những NHTM nhỏ hơn, uy tín thấp hơn có thể ấn định một mức lãi suất cao hơn nhưng trong khuôn khổ trần cho phép.

Việc duy trì trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng cũng hỗ trợ duy trì sự ổn định trên thị trường tiền tệ, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh và dịch chuyển vốn giữa các NHTM trong điều kiện hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đang trong quá trình tái cơ cấu, hoạt động của các NHTM chưa đồng đều, một số TCTD thuộc diện tái cơ cấu có thanh khoản chưa thực sự tốt.

Mặt khác, cùng với việc đường cong lãi suất đã hình thành từ những lần điều chỉnh lãi suất của NHNN trước đó và tiếp tục được củng cố trong lần điều chỉnh này là một biện pháp hữu hiệu để giúp các TCTD huy động được nguồn vốn dài hạn hơn, cơ cấu lại tốt hơn nguồn vốn của mình.

Trên thế giới, việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động cũng được ngân hàng trung ương các nước tính toán thận trọng. Chẳng hạn tại Trung Quốc, gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ bỏ trần lãi suất huy động trong hai năm tới. Một bước đi mà chính phủ nước này hy vọng sẽ buộc các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau để tìm khách hàng bằng các điều khoản gửi tiền hấp dẫn. Từ đó, sẽ giúp người gửi tiết kiệm có nhiều tiền hơn, ngân hàng sẽ phải đánh giá rủi ro cẩn thận hơn và cho vay nhiều hơn đến khu vực doanh nghiệp tư nhân vốn sẵn lòng trả lãi suất cao hơn.

Trước đó, lợi dụng trần lãi suất huy động, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng do nhà nước sở hữu đã huy động vốn với chi phí thấp và cho vay với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhà nước, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Vì vậy, động thái quyết dỡ bỏ trần lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được nhiều người ủng hộ.

Tuy vậy, việc dỡ bỏ trần lãi suất nếu không quản lý cẩn thận có thể dẫn đến những rủi ro lớn như ở Mỹ vào những năm 1980. Năm ấy, Mỹ dỡ bỏ trần lãi suất huy động và hậu quả là sự tăng trưởng nhảy vọt rồi sụp đổ của nhiều công ty tiết kiệm và cho vay. Lý do là khi lãi suất huy động được tự do hóa, các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thu hút tiền gửi, đẩy chi phí huy động lên cao. Với chi phí cao như thế, nhiều ngân hàng chấp nhận thực hiện các khoản cho vay rủi ro để bù đắp lại chi phí. Nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay các dự án bất động sản với kỳ vọng thu được lợi nhuận lớn. Cuối cùng, khi các chủ dự án bất động sản không thể trả nợ, hơn 1.600 ngân hàng đã bị phá sản.

Với trường hợp của Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, việc trần lãi suất huy động được dỡ bỏ sẽ khiến lãi suất thị trường tăng mạnh, dẫn đến áp lực lớn hơn đối với chính quyền các địa phương, chủ dự án bất động sản và các công ty khác đang phải vật lộn để trả nợ. Đối với Việt Nam, nhiều khả năng đây cũng sẽ là những đối tượng chịu áp lực lớn nhất khi trần lãi suất huy động được dỡ bỏ.

Phương Anh

Quân đội nhân dân