Thế giới “đau đầu” với Bitcoin

Thế giới “đau đầu” với Bitcoin

Dù mới xuất hiện trên thị trường tiền tệ thế giới nhưng đồng tiền ảo Bitcoin (BTC) có sức hút vô cùng lớn khi ngày càng có nhiều người yêu thích sử dụng loại tiền này. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là “sức sống” của nó sẽ ra sao sau một loạt các sự cố liên quan đến nó?

“Thao thức” ngày đêm

Mới đây, phóng viên Leah McGrath Goodman của Tạp chí Newsweek đã tìm và đối thoại với “cha đẻ” đồng tiền ảo này, ông Satoshi Nakamoto, người Mỹ gốc Nhật, 64 tuổi. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Đại học Bách khoa, bang California (Mỹ). Hiện nhà sáng lập BTC đang sống giản dị tại một ngôi nhà nhỏ ở TP. Temple, phía Nam California.

Theo giới truyền thông, việc tìm thấy nhà sáng lập tiền ảo là rất có ý nghĩa khi cả thế giới đang dồn mọi sự quan tâm đến loại tiền này sau hàng loạt “sự cố” liên quan đến nó trong thời gian vừa qua.

Sự kiện đầu tiên là Sàn giao dịch Bitcoin lớn thứ ba thế giới (Mt.Gox) có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) tuyên bố phá sản vào ngày 25/02/2014, do bị tin tặc tấn công và “khoắng sạch” 744.408 BTC (tương đương khoảng 500 triệu USD). Thông báo trên của Mt.Gox được đưa ra trong bối cảnh các nhà đầu tư đồng tiền ảo này đang hết sức hoang mang với những giao dịch của họ trên mạng. Hiện nay, trên thế giới ngoài Mt.Gox còn có 6 sàn giao dịch BTC lớn khác, bao gồm: Coinbase, Kraken, BitStamp, Circle, BTC China và Blockchain.

Tiếp đến là trường hợp của ngân hàng Flexcoin (Canada), chuyên nhận gửi tiền ảo BTC ngày 04/03/2014 đã tuyên bố đóng cửa sau khi bị tin tặc đột nhập và đánh cắp 896 BTC (tương đương 600.000 USD).

Trước tình hình đó, một số nước (Nga, Trung Quốc, Thái Lan…) đã đưa ra quy định nghiêm ngặt về phạm vi giao dịch tiền ảo BTC, chỉ có duy nhất Mỹ “nới lỏng” và cho phép giao dịch đồng tiền này rộng rãi. “Điều tôi lo lắng nhất là trong khi BTC bị cấm tại các quốc gia khác thì người Mỹ lại đang xử lý giao dịch bằng loại tiền vô giá trị”, ông Joe Manchin, Thượng nghị sỹ Mỹ nói.

Lo lắng cho tương lai

Theo Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế mới đây, BTC là một đồng tiền tín dụng không có giá trị nội tại và được quy đổi sang các đơn vị tiền tệ khác dựa vào lòng tin của người dùng. Chính điều này khiến đồng BTC ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro.

Trên thực tế, phần lớn thị trường tiền ảo BTC bị chi phối bởi các nhà đầu cơ khiến giá trị của đồng tiền này thiếu tính ổn định. Kể từ khi ra đời (năm 2009) đến nay, giá trị của đồng tiền này luôn thay đổi chóng mặt. Tháng 9/2013, tỷ giá của BTC chỉ vào khoảng 150 USD/1 BTC, song đến tháng 12/2013, tỷ giá đã vượt mốc 1.000 USD/1 BTC. Ước tính hiện có khoảng 12 tỷ BTC lưu hành trên thị trường.

Phân tích về tương lai của BTC, giới chức ngân hàng cho rằng, không có nhiều khả năng để loại tiền này trở thành một phương tiện giao dịch rộng rãi trong đời sống, vì những lý do bảo mật, an toàn và dựa vào lòng tin của người dùng, đặc biệt sau hàng loạt vụ đột nhập và đánh cắp hàng triệu BTC của tin tặc.

“Những sự cố nói trên không có nghĩa là đồng BTC đã đến “hồi kết” bởi trong tương lai, những nhà đầu tư và kinh doanh mới với tinh thần trách nhiệm cao sẽ cùng nhau xây dựng và mang lại “những dịch vụ đáng tin cậy” cho thế giới tiền ảo”, người phát ngôn của Tổ chức Bitcoin Foundation, ông Jinyoung Lee Englund nhận định.

Ra đời năm 2009, tiền ảo BTC hiện được sử dụng trong các giao dịch mua bán nhiều hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới. BTC hoạt động không thông qua bất kỳ một ngân hàng trung ương nào mà qua ví điện tử hoặc một trang web. Vì vậy, các giao dịch của BTC không phải chịu những loại phí giao dịch trung gian.

Trường Lục

Tài Chính