Cơ cấu ngân hàng: Những chuyện không ăn khớp

Cơ cấu ngân hàng: Những chuyện không ăn khớp

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: "Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) phải có chính sách đồng bộ. Đó là công việc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN)".

* Cơ cấu hệ thống NHTM được cho là vào giai đoạn nước rút. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Việt Nam có 39 ngân hàng (NH), theo chủ trương của NHNN rút lại chỉ còn 15 NH. Tuy nhiên, sáp nhập không đơn giản, hai NH yếu kém sáp nhập với nhau, không thể trở thành một NH mạnh. Một NH mạnh sáp nhập vào một NH yếu cũng không thể mạnh hơn, trừ phi có các điều kiện đặc biệt về số chi nhánh hay nhân sự; còn số nợ xấu thì không thể chối cãi, dù họ vẫn chối cãi như thường. Như vậy thì không hẳn đã tới nước rút vì còn quá nhiều vấn đề chưa xử lý xong.

* Theo kế hoạch, cuối năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn tất tái cơ cấu NHTM. Ông nhận định thế nào về tiến độ này?

- Trước đây, NHNN cho thời hạn đến hết năm 2013 phải xong, nhưng làm không xong nên lùi đến năm 2015, nhưng làm sao mà xong được khi VAMC mua nợ xấu của các NHTM và trả bằng trái phiếu đặc biệt, thời hạn 5 năm (2014-2019). Nhà nước cho ân hạn này với ý tưởng không thanh lý, khi NH phục hồi mỗi năm sẽ trả 20% giá trị nợ xấu. Rất khó có thể hoàn tất tái cơ cấu cuối 2015 được!

* Những NH bị cho là yếu hiện nay thực sự kém cái gì, tại sao như vậy, thưa ông?

- Thứ nhất, vốn điều lệ của các NH rất thấp, chỉ 3 đến 5 nghìn tỷ đồng. Vốn thấp nên an toàn vốn không có, trong khi tiền gửi gấp mấy chục lần vốn điều lệ. NH dùng tiền gửi vào để cho vay bằng cách thế chấp và không xem xét hoặc xem xét không kỹ các dự án kinh doanh, không đảm bảo được khả năng hoàn trả vốn và lãi nên nó trở thành nợ xấu.

Thứ hai, nợ xấu được ước lượng là bao nhiêu, xếp hạng thế nào, bây giờ đều không rõ ràng. Trong Thông tư số 2, NHNN buộc các NHTM phải khai báo trước thời hạn tháng 6/2013, nhưng không thực hiện được, lùi lại đến tháng 6/2014 này cũng không thực hiện được và sẽ dời tiếp tới năm 2015...

* Mặc dù vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng sau sáp nhập, năng lực quản trị của các NH sẽ tăng lên. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

- Hai NH nhỏ yếu kém về tài chính, về quản lý thì không thể trở thành một NH mạnh, mà phải dựa vào anh nào có khả năng tài chính mạnh hơn, có khả năng quản lý tốt hơn, mới có cơ phát triển. Nhưng hiện nay, tìm được NH làm tốt cũng là cả vấn đề. Năm NH hàng đầu của Việt Nam có đủ khả năng "ôm" mấy NH yếu kia không, trong khi chính họ cũng đang thực sự khó khăn?

Chính phủ, NHNN có vai trò rất lớn trong việc tạo điều kiện cho các NH mạnh đủ sức đỡ các NH yếu và giúp các NH này sống sót và phục hồi sau sáp nhập. Điều đáng nói, đến nay, NHNN chưa có chính sách đấy. Những hỗ trợ 3 nghìn tỷ, 8 nghìn tỷ đồng... không phải là chính sách.

Chính sách là làm sao quản lý được lưu lượng tiền tệ cho cả nền kinh tế để cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững với lãi suất thấp nhất để doanh nghiệp có thể phục hồi. Vai trò của NHNN không phải là vai trò kinh doanh mà là điều tiết và phục vụ, làm dịch vụ cho nền kinh tế phát triển, cái đó chúng ta chưa biết làm, chưa làm tốt.

* Cảm ơn ông!

HẢI VÂN thực hiện

Doanh nhân sài gòn