Dịch vụ cảng biển: Triển vọng không chia đều cho tất cả

Dịch vụ cảng biển: Triển vọng không chia đều cho tất cả

Kế hoạch bán thỏa thuận hơn 11,5 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh hồi giữa tháng 6 vừa qua đã đổ bể vào phút chót, do không có NĐT nào đăng ký tham gia mua.

Trước đó, trong đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Cảng Quảng Ninh cũng chỉ bán được 7,5% số đem ra đấu giá. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang, khi IPO chỉ bán được khoảng 6,3% số cổ phần; Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng cũng ế tới hơn 80% số cổ phần chào bán trong đợt IPO vừa qua...

Mặc dù vậy, cổ phiếu cảng biển dường như đang bị đánh giá dưới tiềm năng. Đại diện CTCK Bảo Việt (BVSC) phân tích, cảng biển là một trong những ngành được hưởng lợi trong trung và dài hạn, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi đó, Chính phủ chắc chắn sẽ đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lực cảng biển… Thủ tục hải quan cũng được đàm phán trong TPP theo hướng tích cực, giúp cho hoạt động thương mại được nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, cơ hội phát triển không chia đều cho tất cả DN trong ngành.

Ông Lưu Văn Lương, Phó giám đốc Khối phân tích và tư vấn đầu tư BVSC cho biết, lợi thế của các DN cảng biển nằm ở vị trí mà họ sở hữu. Điều này sẽ quyết định hiệu suất hoạt động của cảng. Do đó, các cảng mang tính địa phương, nội địa, đường thủy trong nước như Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng sẽ có tiềm năng phát triển không lớn bằng các cảng ở khu vực trung tâm, năng động về giao thông đường thủy của cả nước như tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Điều này cũng lý giải vì sao NĐT không mấy mặn mà với đợt IPO các cảng Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, trong khi Cảng Hải Phòng lại bán được tới 47% số cổ phiếu đấu giá.

Ở một góc độ khác, một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có khoảng 30 cảng biển trải dọc cả nước. Tuy nhiên theo quy hoạch hệ thống cảng biển đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ chỉ tập trung phát triển một số cụm cảng lớn. Do đó, đầu tư vào cổ phiếu ngành này cũng cần căn cứ vào tiềm năng phát triển trong dài hạn.

Ông Lương chỉ ra, nhóm các DN cảng biển tiềm năng bao gồm những DN sở hữu nhiều cảng biển tại các vị trí đắc địa, đầu tư chiều sâu, năng lực khai thác cảng biển tốt, ví dụ như Tân Cảng Sài Gòn. Vị này cũng khuyến cáo nhóm ổn định gồm những DN được hưởng lợi vị trí địa lý, nên khai thác tối đa công suất và đạt được mức độ sinh lời cao. Song, một số cảng do không có khả năng tăng quy mô hay phát triển thêm quỹ đất nên trong tương lai sẽ kém lợi thế cạnh tranh, nhiều khả năng bị thâu tóm bởi các DN cùng ngành...

Chuyên gia của BVSC cũng đề xuất NĐT nên quan tâm đến cổ phiếu Gemadept (GMD) như một DN tiêu biểu trong ngành cảng biển. Đây là DN dẫn đầu trong lĩnh vực cảng biển và logistics, đứng số một tại TP. Hồ Chí Minh về cảng cạn ICD, đứng số hai cả nước về khai thác cảng biển cũng như cảng hàng không, đứng số một về cho thuê kho bãi và đóng gói cà phê. DN này cũng có hệ thống cảng biển tập trung tại những vùng kinh tế trọng điểm, phân bổ nhiều trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, đây cũng là DN đầu tư đa ngành khá thành công với 30.000 ha cao su tại Campuchia, lợi nhuận năm 2014 đột biến từ hạch toán cao ốc, sở hữu nhiều BĐS có giá trị...

Khanh Đoàn

Thời báo ngân hàng