Điều chỉnh tỷ giá: Nhiều doanh nghiệp được lợi

Điều chỉnh tỷ giá: Nhiều doanh nghiệp được lợi

Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá đôi khi cũng là tín hiệu tích cực nhưng thông thường biến động tỷ giá luôn có tác động 2 chiều đến kết quả kinh doanh của DN.

Việc tỷ giá được điều chỉnh tăng 1% vào ngày 19/6 vừa qua, theo đánh giá của CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT) là có lợi. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu của GDT chiếm 85-90% doanh thu của công ty, trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu mua trong nước. Dựa trên mức điều chỉnh tỷ giá, ước tính GDT được hưởng lợi gần 2,2 tỷ đồng.

Nhu cầu tiêu thụ thép cho thấy sự cải thiện

Con số nói trên tuy không lớn so với nhiều DN khác, nhưng ít nhất cũng giúp GDT có thêm cơ hội tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình tại các thị trường xuất khẩu, thêm lợi nhuận trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, hoặc tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi từ điều chỉnh tỷ giá còn có thể kéo dài trong giai đoạn cuối năm, giúp DN đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra.

Tương tự, nhiều DN xuất khẩu cho biết họ đều được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua. Trong báo cáo điều chỉnh mới đây của một số ngành, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có lợi cho các DN thủy sản, cao su và khai khoáng… vì hầu hết số này là DN thuộc ngành có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao.

Như vậy, mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu của chính sách tỷ giá vừa qua đã được DN đồng tình, nó có thể là “liều thuốc” hâm nóng hoạt động sản xuất và xuất khẩu những tháng tới, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, với các ngành, lĩnh vực nhập khẩu, tình hình không được thuận lợi như vậy. Đơn cử ngành thép, với nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu lớn, đây được đánh giá là ngành không được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá.

Nhưng cho tới thời điểm này, lãnh đạo của hai DN lớn trong ngành là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với nguồn nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu HRC và phôi thép cho biết, tác động việc tăng tỷ giá đối với DN sẽ không đáng kể.

Nguyên nhân, theo chia sẻ của 2 DN, thì việc dự trù tăng tỷ giá đã được tính toán trước trong kế hoạch năm nay với mức độ dự báo điều chỉnh tỷ giá là cao hơn 1%. Hai DN này thừa nhận, biến động về tỷ giá lần này không bất ngờ với họ, chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận những tháng còn lại của năm. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh tốt hơn nên nguồn thu thuận lợi và tổng lợi nhuận thu về bị ảnh hưởng không đáng kể.

Lãnh đạo của Thép Hòa Phát chia sẻ, trong quý I/2014 sản lượng tiêu thụ ống thép tăng 30% so với cùng kỳ và công ty cũng tiêu thụ được hơn 40.000 tấn phôi (trong đó khoảng 1/2 là xuất khẩu). HPG đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phôi ra nước ngoài với thị trường chính là các nước ở khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines) với sản lượng phôi xuất khẩu bình quân khoảng 20.000 tấn/tháng...

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cầu tiêu thụ thép cho thấy sự cải thiện trong những tháng đầu mùa xây dựng với đỉnh điểm tiêu thụ trong tháng 3 và 4. Tuy nhiên, mức cải thiện nhìn chung chưa nhiều, đặc biệt là đối với mặt hàng thép xây dựng. Do vậy, dự kiến doanh thu của ngành thép trong năm 2014 sẽ chỉ tăng 2-3% so với năm 2013.

Tất nhiên, HPG ghi điểm phần nào trong giai đoạn này do sự chắc chắn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong khi phần lớn các công ty trong ngành thép đều đang gặp khó khăn. Điều này đã được minh chứng qua kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành có sự khác biệt rõ nét trong quý I/2014.

Đây có lẽ tiếp tục là thời điểm sàng lọc của DN ngành này. Theo đó, chỉ có những DN đầu tư công nghệ và quy trình sản xuất khép kín và không bị vướng nhiều nợ vay bằng ngoại tệ mới quyết định biên lợi nhuận và vị thế của DN trong điều kiện hiện nay.

Đó cũng là lý do vì sao nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá đôi khi cũng là tín hiệu tích cực nhưng thông thường biến động tỷ giá luôn có tác động 2 chiều đến kết quả kinh doanh của DN.

thời báo ngân hàng