Vỡ ống nước Vinaconex: Quy trách nhiệm người đứng đầu

Vỡ ống nước Vinaconex: Quy trách nhiệm người đứng đầu

Vinaconex vẫn im lặng sau khi Bộ Xây dựng đã chỉ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác tổ chức quản lý chất lượng khiến đường ống nước sông Đà liên tiếp bị vỡ. Sự im lặng này là sự làm ngơ, thờ ơ đến vô trách nhiệm của Vinaconex?

* Kiểm tra toàn bộ đường ống nước Vinaconex

Hàng chục nghìn hộ dân “chết khát”, Vinaconex chỉ lặng im

Sau 7 lần đường ống nước sông Đà bị vỡ, điệp khúc vỡ ống, dân “chết khát” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với hàng chục nghìn hộ dân. Điều đáng nói là sau mỗi lần xảy ra sự cố Vinaconex đều khẳng định đã cố gắng, nỗ lực khắc phục sự cố nhanh chóng cấp nước lại cho dân nhưng tuyệt nhiên không hề có một lời xin lỗi. Phải chăng Vinaconex coi việc vỡ đường ống nước là chuyện mặc định đương nhiên nên có vỡ ống mất nước cũng không cần thông báo, xin lỗi?

Đường ống nước sông Đà đã 7 lần bị vỡ, trách nhiệm thuộc về ai?

Hay vì đang nắm trong tay tuyến đường ống nước sông Đà với hơn 47,5km đường ống được coi là “độc đạo” đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (Kỳ Sơn, Hòa Bình) về đến Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) nên Vinaconex có quyền làm gì cũng được?

Thậm chí, ngay cả khi Bộ Xây dựng đã chỉ rõ nguyên nhân khiến đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ và quy trách nhiệm của chủ đầu tư thì đến bây giờ Vinaconex vẫn chỉ lặng im. Dư luận đặt ra câu hỏi rằng, nếu không có sự vào cuộc của Bộ Xây dựng thì liệu sau 7 lần vỡ thậm chí nhiều hơn thế Vinaconex sẽ mãi lặng im?

Một công trình có giá trị 1.500 tỷ đồng mà sau khi đi vào sử dụng được 6 năm đã phải đổ vào cả 10 tỷ đồng để sửa chữa thì rõ ràng là có vấn đề. Với vai trò là chủ đầu tư nhận trách nhiệm làm người đứng đầu dự án, Vinaconex phải là người chịu trách nhiệm cao nhất khi các sự cố xảy ra nhưng có lẽ đến lúc này thì sự lặng im của Vinaconex không chỉ là sự làm ngơ, thờ ơ đến vô trách nhiệm mà còn là sự coi thường các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Như kết luận của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nguyên nhân gây ra tình trạng đường ống nước sông Đà liên tục vỡ là do chất lượng ống sợi thủy tinh kém và thi công ẩu.

Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân, kết luận cũng nêu lên trách nhiệm của hàng loạt các đơn vị liên quan từ đơn vị tổng thầu thiết kế, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát thi công xây dựng và chủ đầu tư.

Kết luận chỉ rõ: “Đối với Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.

Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận cuối cùng về trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục được xác định cụ thể trong thời gian tới.

Nguyên nhân đã chỉ ra, trách nhiệm cần được rõ. Với sự vào cuộc của Bộ Xây dựng người dân mong muốn sẽ có câu trả lời rõ ràng về trách nhiệm cụ thể. Ngay cả đối với Vinaconex với vai trò là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cao nhất nhưng cũng phải quy rõ trách nhiệm đối với những người đứng đầu liên quan đến dự án.

Trong khi câu hỏi về trách nhiệm cần tiếp tục được làm rõ thì nỗi lo mất nước vẫn treo lơ lửng trên đầu hàng chục nghìn hộ dân. Những hứa hẹn về đường ống thứ 2 đã được đưa ra nhưng đến bây giờ tất cả vẫn chỉ là dự kiến. Những ngày tiếp theo ai dám đảm bảo đường ống sông Đà không vỡ?

Còn nhớ tại Đại hội cổ đông thường niên của Vinaconex (25/4), nói về sự cố liên tiếp xảy ra việc đường ống hay vỡ, Tổng giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà có nói rằng: “Chúng tôi không thể nói trong tương lai có vỡ được hay không vì nếu khẳng định thì không khác nào ăn cơm dân gian nói chuyện âm phủ”.

Phải chăng vì là “chuyện âm phủ” nên Vinaconex chọn cách im lặng? Và sự im lặng của chủ đầu tư, của những người đứng đầu Vinaconex còn kéo dài đến bao giờ? Chính sự im lặng của Vinaconex cũng đặt ra dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư khi tiếp tục được giao thực hiện đường ống thứ 2.

Hồng Khanh

vietnamnet land