Chứng khoán Tuần 21 – 25/07: Bluechip khẳng định sức mạnh!

Chứng khoán Tuần 21 – 25/07: Bluechip khẳng định sức mạnh!

Các chỉ số thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua, trong đó VN-Index tăng điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của các mã trụ cột. Mặc dù vậy xu hướng chốt lời vẫn chiếm chủ đạo trong tuần qua và khiến giới đầu tư thận trong hơn. Trong khi đó, khối tự doanh CTCK vẫn tiếp tục đẩy mạnh thu gom cổ phiếu.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 21 – 25.07.2014

Giao dịch: Bluechip giao dịch tích cực. Các chỉ số thị trường diễn biến trái chiều khi kết thúc tuần này, sau khi cùng tăng điểm trong tuần trước. Cụ thể, VN-Index tăng 0.64% lên 600.14 điểm, HNX-Index giảm 2.12%% về 79.43 điểm. VS 100 giảm 0.78% chốt tại 101.05 điểm, còn VN30 giảm 0.55% về 641.96 điểm.

Duy nhất nhóm VS-Large Cap tăng 0.65%, các nhóm còn lại đều giảm điểm, trong đó VS-Micro Cap giảm 1.12%, VS-Small Cap giảm 1.03% và VS-Mid Cap giảm 0.82%.

Trong tuần này, thanh khoản tiếp tục giảm trên hai sàn so với tuần trước. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm 14.3% trên sàn HOSE và đạt 437.1 triệu đơn vị, trên sàn HNX, khối lượng giao dịch giảm 7.7%, đạt gần 205.7 triệu đơn vị. Thanh khoản trên sàn HNX đang dần teo tóp khi giảm liên tục trong các tuần qua.

Giao dịch tích cực của VN-Index trong tuần qua có sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechip. Trong đó nổi bật nhất vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như GAS, VNM, BVH, PVD, VIC...Đây cũng là động lực quan trọng giúp chỉ số VN-Index duy trì thành công ngưỡng 600 điểm trong tuần qua. Sự tích cực ở nhóm cổ phiếu bluechip nhiều khả năng xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đón đầu kết quả kinh doanh tích cực ở nhóm cổ phiếu này.

Mặc dù vậy, giao dịch giằng co vẫn là diễn biến chủ yếu của thị trường trong tuần qua khi áp lực chốt lời vẫn đang tiếp tục đeo bám trên thị trường. Điều này được thể hiện khá rõ khi (i)sắc đó chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường; (ii) nhóm cổ phiếu nóng giao dịch trái chiều trong tuần qua. Theo đó Khai khoáng và Bất động sản vẫn duy trì đà tăng, trong khi Chứng khoán và Xậy dựng lại quay đầu giảm điểm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giới đầu tư thận trọng và tiếp tục hạn chế mở rộng giao dịch gần cuối tuần.

Trên HNX, sự hỗ trợ từ một số cổ phiếu họ “P” và các cổ phiếu nóng như VCG , KLF, HUT, FIT… giúp chỉ số HNX-Index có các phiên tăng điểm giữa tuần. Tuy nhiên áp lực chốt lời chiếm ưu thế đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần đã khiến chỉ số HNX-Index không thể giữ được sắc xanh trong tuần qua.

Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng mạnh 158.8 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng mạnh trên sàn HOSE và bán ròng nhẹ trên sàn HNX. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng của họ trên sàn lại không ảnh hưởng tới chỉ số thị trường khi các mã tập trung mua ròng nhiều nhất đều không phải là cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 167.7 tỷ đồng sau khi loại trừ giao dịch thỏa thuận của PAN với giá trị 51.3 tỷ đồng trong phiên 24/07. Họ tập trung mua mạnh nhất ở MWG (81.6 tỷ đồng), PAN (67.2 tỷ đồng) (bao gồm giao dịch thỏa thuận), PVD (59.1 tỷ đồng), PPC (45 tỷ đồng), HT1 (22.7 tỷ đồng)... trong khi bán ròng nhiều nhất ở VIC (109 tỷ đồng), MSN (22.9 tỷ đồng), VSH (11.5 tỷ đồng), ...

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng 8.9 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở VCS (85.4 tỷ đồng), PGS (8.5 tỷ đồng), LAS (6.3 tỷ đồng), SHB (3.8 tỷ đồng)... và mua ròng chủ yếu ở PVS (53.1 tỷ đồng), VND (13.4 tỷ đồng), VCG (10.6 tỷ đồng), DBC (9.8 tỷ đồng).

Khối tự doanh CTCK: Mua ròng hơn 82 tỷ đồng. Tính tới phiên ngày Thứ Năm (24/07), khối tự doanh các CTCK mua ròng 1.9 triệu đơn vị, trị giá 82.1 tỷ đồng. Như vây, họ đã mua ròng tổng cộng gần 248 tỷ đồng trong ba tuần gần đây.

Khối tự doanh các CTCK mua ròng cả 4 phiên xét theo giá trị và 3 phiên xét theo khối lượng. Các phiên mua ròng đều có khối lượng tương đồng nhau, nhưng xét theo giá trị thì phiên đầu tuần có mức mua ròng mạnh nhất với 43.2 tỷ đồng do giá mua bình quân cao gần 45,500 đồng/cổ phiếu, trong khi giá bán bình quân là 31,000 đồng/cổ phiếu. .

Tuần này, khối tự doanh các CTCK tiếp tục mua vào các cổ phiếu vốn hóa lớn khi giá mua bình quân là 32,600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá bán bình quân là 26,000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần này, số nhóm tăng điểm và giảm điểm với tỷ lệ 10/13. Nhóm tăng điểm nhiều nhất thuộc về Dịch vụ chuyên môn - KHCN (6.42%), Khai khoáng (2.64%), Sản xuất Thủy sản (2.39%), ... Nhóm giảm điểm nhiều nhất là Dịch vụ Lưu trú và Giải trí (-5.27%), CNTT – Truyền thông (-3.25%), Thiết bị điện – Điện tử viễn thông (-2.93%), Sản xuất VLXD (-2.83%), Xây dựng (-2.13%), Chứng khoán (-2.05%), ....

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là FLC tăng 7.6%, trên sàn HNX là PVB tăng 25.8%, VIX tăng 17.26%.

FLC tăng 7.6%. FLC tăng trần hai phiên cuối tuần sau khi chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm và cổ tức. Việc nhà đầu tư mua vào mạnh FLC có thể để đón đầu KQKD quý 2 của FLC sẽ tích cực.

PVB tăng 25.8%. Cổ phiếu này tăng mạnh sau khi thông báo KQKD quý 2/2014 tăng trưởng tốt với LNST đạt 89 tỷ đồng. Tuy nhiên, đà tăng đã chựng lại phiên cuối tuần.

VIX tăng 17.26%. Cổ phiếu này cũng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư khi ra KQKQ quý 2 với LNST đạt 9 tỷ đồng.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là HLA giảm 16.1%, VHG giảm 13.27%, VNE giảm 11.6%, trên sàn HNX, không có mã nào đáng chú ý trong các cổ phiếu giảm điểm

HLA giảm 16.1%. Sau tuần bứt phá mạnh trước đây, hoạt động chốt lời ồ ạt đã khiến cổ phiếu này giảm điểm khá trong tuần này.

VHG giảm 13.27%. Cổ phiếu này vẫn giảm điểm sau khi KQKQ quý 2 cho thấy LNST đạt mức cao với 24.4 tỷ đồng, nhiều khả năng thông tin tích cực này đã phản ảnh vào giá cổ phiếu trước đó, do đó nhà đầu tư chốt lời khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng.

VNE giảm 11.6%. Việc giảm điểm của VNE nhiều khả năng do cổ phiếu này tiếp tục lỗ nặng hơn 103 tỷ đồng trong quý 2/2014. Như vậy, 6 tháng đầu năm VNE đã lỗ tổng cộng hơn 112 tỷ đồng.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock