“Họ” Vinaconex: Áp lực trả nợ ngắn hạn tăng cao khi KQKD còn ảm đạm!

“Họ” Vinaconex: Áp lực trả nợ ngắn hạn tăng cao khi KQKD còn ảm đạm!

VCG hiện có 31 công ty con, trong đó có 14 công ty con đã được niêm yết trên sàn. Quy mô nợ vay của “dòng họ” Vinaconex lên tới 6,085 tỷ đồng, và áp lực trả nợ duy trì ở mức cao khi tập trung vay nợ ngắn hạn và kết quả kinh doanh (KQKD) còn ảm đạm.

* Toàn cảnh về nợ vay ngân hàng của “họ” Sông Đà

* Bất ngờ với nợ vay và mức độ sử dụng đòn bẩy của “họ” Lilama

TCT Cổ Phần XNK & Xây Dựng Việt Nam – Vinaconex (HNX: VCG) hiện có 31 công ty con, trong đó có 14 công ty con đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Do là công ty con nên toàn bộ nợ vay của các công ty “họ” Vinaconex đều được hợp nhất về VCG, và báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất của VCG có thể giúp chúng ta biết được tình hình vay nợ của “dòng họ” này.

Dựa vào BCTC hợp nhất của VCG, có thể thấy quy mô nợ vay của “họ” Vinaconex đang ở mức 6,085 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là gần 2,472 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là hơn 3,613 tỷ đồng. Cơ cấu nợ của VCG khá cân bằng khi nợ ngắn hạn chiếm 41%, nợ vay tài trợ 27% tổng tài sản và tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu (VCSH) chỉ ở mức 1.09 lần.

Quy mô nợ vay của “họ” Vinaconex khá thấp so với “họ” Dầu khí (27,643 tỷ đồng), tương đồng với quy mô nợ của “họ” Sông Đà (6,105 tỷ đồng) và cao hơn rất nhiều so với “họ” Lilama (2,311 tỷ đồng).

BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2013 không có thuyết minh về các khoản vay ngắn hạn, trong khi các khoản vay dài hạn của VCG được tài trợ bởi các tổ chức sau:

  • Quỹ đầu tư Phát triển Thành phố Hà Nội: 1,063 tỷ đồng
  • Ngân hàng BIDV (BID): 773 tỷ đồng
  • Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex – Viettel: 411 tỷ đồng
  • Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB): 628 tỷ đồng
  • BNP Paribas: 220 tỷ đồng
  • SHB: 192 tỷ đồng
  • TCT Thiết bị nặng Quốc gia Trung Quốc: 168 tỷ đồng
  • Agribank: 148 tỷ đồng
  • Natexis: 129 tỷ đồng
  • Các ngân hàng, tổ chức khác: 427 tỷ đồng

Các công ty con tập trung vay nợ ngắn hạn

Trong 14 công ty con đang niêm yết thì VC5, PVVVC9 có quy mô nợ vay lớn nhất, lần lượt ở mức 387 tỷ đồng, 349 tỷ đồng và 332 tỷ đồng; trong khi VCM là công ty duy nhất không sử dụng nợ vay.

VC5 cũng là công ty có quy mô nợ trên VCSH cao nhất với 4.24 lần, tiếp theo là V21 với 3.34 lần và V15 với 2.07 lần.

Bảng 1: Quy mô nợ vay của các công ty “họ” Vinaconex đến quý 1/2014

Nguồn: VietstockFinance. ĐVT: tỷ đồng

Điểm đáng chú ý nhất đó là nợ vay của các công ty con trong “dòng họ” Vinaconex đều tập trung ở nợ vay ngắn hạn. Điều này có thể khiến cho áp lực thanh toán nợ vay của các công ty này luôn ở mức cao, đặc biệt là khi kết quả kinh doanh của các công ty này vẫn đang khá ảm đạm.

VC2 là công ty đang có lợi nhuận sau thuế của cổ đông CTM quý 1/2014 tốt nhất nhưng chỉ với 9.6 tỷ đồng. VCR là công ty có kết quả kém nhất khi doanh thu chỉ được khoảng 1 tỷ đồng và lỗ quý 1/2014 là 8.3 tỷ đồng. Tổng hợp của các công ty trong “dòng họ” Vinaconex thể hiện trong BCTC hợp nhất của VCG là lỗ 16.5 tỷ đồng trong quý 1/2014.

Bảng 2: Kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các công ty “họ” Vinaconex

Nguồn: VietstockFinance. ĐVT: tỷ đồng

Duy Nam