Moody's bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lần đầu từ năm 2005, triển vọng “ổn định”

Moody's bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lần đầu từ năm 2005, triển vọng “ổn định”

Moody's Investors Service vừa nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng “ổn định”.

* Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm VietinBank và BIDV

* S&P's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

* S&P: Nợ xấu có thể làm giảm lợi nhuận ngân hàng Việt Nam trong 12-18 tháng tới

 

Các nguyên nhân chính thôi thúc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bao gồm: (1) kinh tế vĩ mô đang trên đà ổn định, (2) cán cân thanh toán và vị thế thanh toán nước ngoài ngày càng cải thiện, và (3) các rủi ro bất ngờ từ hệ thống ngân hàng đang suy giảm.

Moody’s cho biết trong thông báo ngày thứ Ba rằng triển vọng “ổn định” dành cho mức xếp hạng B1 phản ánh kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, qua đó hỗ trợ hơn nữa quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như cải thiện cán cân thanh toán nước ngoài của Việt Nam.

Đồng thời, Moody’s cũng nâng trần xếp hạng đối với trái phiếu bằng ngoại tệ dài hạn từ B1 lên Ba2 và trần xếp hạng đối với tiền gửi bằng ngoại tệ dài hạn từ B3 lên B2. Bên cạnh đó, tổ chức này duy trì trần xếp hạng đối với trái phiếu và tiền gửi bằng ngoại tệ ngắn hạn ở mức “Đầu tư không tốt” (Not Prime).

Ngoài ra, Moody’s còn nâng trần rủi ro quốc gia bằng nội tệ của Việt Nam từ Ba2 lên Ba1.

Moody’s cho biết tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trong năm ổn định thứ 3 liên tiếp và đà tăng trưởng vẫn mạnh hơn so với các nước trong cùng nhóm xếp hạng. Dù kể từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng kinh tế suy yếu so với thập niên trước nhưng giá cả vẫn ổn định.

Theo đó, tăng trưởng GDP thực bình quân hàng năm từ năm 2012 đến nửa đầu năm 2014 đạt 5.3%, thấp hơn so mức mức bình quân 6.8% trong giai đoạn 2002-2011. Trong khi đó, lạm phát tháng 7/2014 duy trì dưới 7.5% trong 26 tháng liên tiếp, đánh dấu khoảng thời gian duy trì dưới mức này lâu nhất kể từ năm 2000.

Moody’s cho biết có thể tiếp tục nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu: (1) sức mạnh tài chính nội tại của hệ thống ngân hàng và lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước (SOE) tiếp tục cải thiện và làm giảm đáng kể các rủi ro đối với Chính phủ; (2) tình hình tài khóa tiếp tục được củng cố và góp phần cắt giảm thâm hụt cũng như nâng triển vọng tài khóa của Việt Nam lên ngang hàng với các quốc gia trong cùng nhóm có xếp hạng cao hơn; và (3) nợ công được cắt giảm hơn nữa nhằm hạ thấp rủi ro về mặt tỷ giá.

Ngược lại, (1) bất ổn kinh tế vĩ mô tái diễn, (2) chi phí nợ tăng cao và/hoặc (3) vị thế thanh toán nước ngoài suy giảm là các yếu tố có thể gây áp lực đối với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Thêm vào đó, các rủi ro từ hệ thống ngân hàng và lĩnh vực SOE cũng sẽ tác động tiêu cực đến tình hình tín nhiệm.

Theo nhận định của Moody’s, tình hình tín nhiệm của Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số thách thức lớn. Nguồn vốn của hệ thống ngân hàng vẫn còn chưa tương xứng, đặc biệt là trong bối cảnh chất lượng tài sản tiếp tục đi xuống. Trong khi đó, rủi ro từ lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước (SOE) vẫn còn kéo dài và gây áp lực rất lớn đối với sức khỏe của hệ thống ngân hàng cũng như nhu cầu trong nước.

Được biết, thông báo nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam của Moody’s trong ngày hôm nay là kết quả cuộc họp của tổ chức này vào hôm 23/07 vừa qua.

Phước Phạm (Theo Moody’s)