Rủi ro: Chính phủ không gánh!

Rủi ro: Chính phủ không gánh!

“Công tác điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua cho thấy, ổn định tỷ giá là mục tiêu thống nhất của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2013 và 6 tháng năm 2014, chưa bao giờ tỷ giá ổn định như vậy. Đây là cơ sở cho thấy chính sách tỷ giá nhất quán của Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho NĐT”, đại diện NHNN Việt Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn khẳng định.

Khung Nghị định về hợp tác công tư (PPP) đã trải qua 3 cuộc họp cấp kỹ thuật giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) nhằm bàn thảo các biện pháp hình thành và thúc đẩy các dự án theo hình thức PPP tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc JBIC Hiroshi Watanabe cho biết, tại cuộc Đối thoại cấp cao lần thứ hai về PPP vừa tổ chức mới đây, phía Nhật Bản cho rằng NĐT vẫn cần có nhiều hơn các biện pháp giảm thiểu rủi ro, trong đó nhấn mạnh tới vai trò từ phía đối tác Nhà nước để chia sẻ với DN, trọng tâm là hạn chế rủi ro ngoại hối.

Phía Nhật Bản cho biết, hiện có 3 dự án điện độc lập theo hình thức BOT đang được NĐT Nhật Bản xem xét. Các dự án điện này phải nhập khẩu than từ nước ngoài cũng như huy động vốn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, vay USD và trả lãi bằng USD. Vì vậy, hơn 90% doanh thu của NĐT sau khi thu về phải được chuyển sang USD ngay lập tức. Phía Nhật Bản cho rằng, khả năng chuyển đổi này ở Việt Nam còn hạn chế. Đó là lý do vì sao các NĐT yêu cầu bảo lãnh của Nhà nước 100% liên quan tới khả năng chuyển đổi giữa nội tệ và đồng USD.

“Với các hợp đồng PPP, rủi ro phải phân bổ cho bên nào đảm bảo tốt nhất rủi ro đó. Với rủi ro này chúng tôi cho rằng, NĐT cũng như các tổ chức tài chính thương mại không thể nào đảm bảo tốt được. Vì vậy, NĐT đòi phải có bảo đảm 100% của Nhà nước mà ở đây là NHNN với việc chuyển đổi của đồng tiền”, đại diện JBIC nêu quan điểm.

Trao đổi về điều kiện phía JBIC đưa ra, đại diện NHNN Việt Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, khả năng chuyển đổi ngoại tệ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ông Tuấn dẫn chứng, trong tổng số khoảng 500 triệu USD ngoại tệ chuyển đổi từ các dự án PPP trong năm 2013, NHNN chỉ phải đáp ứng khoảng 100 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm, con số này là 50 triệu USD. Điều này cho thấy, các NĐT đã tự mua được ngoại tệ từ các NHTM, do đó NHNN không nhất thiết phải trực tiếp tham gia vào quy trình này.

Bên cạnh đó, “Công tác điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua cho thấy, ổn định tỷ giá là mục tiêu thống nhất của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2013 và 6 tháng năm 2014, chưa bao giờ tỷ giá ổn định như vậy. Đây là cơ sở cho thấy chính sách tỷ giá nhất quán của Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho NĐT”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, yêu cầu đảm bảo tỷ giá của phía NĐT Nhật Bản là chưa phù hợp. “Chúng tôi đã tham khảo nhiều NĐT và luật của các quốc gia, không ai có quy định phải đảm bảo tỷ giá ngoại tệ ổn định sau 40 năm. Chúng ta làm hôm nay mà 40 năm sau vẫn ổn định tỷ giá thì quá khó, không Nhà nước nào chịu nổi”, ông Tăng thẳng thắn cho biết.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cũng khẳng định sự “chặt tay” của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Khung Nghị định về PPP, theo đó sẽ không quy định về bảo lãnh vốn vay và bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Ông Tăng khuyến cáo, NĐT phải tự tính toán và cân đối luôn rủi ro với mỗi dự án trước khi quyết định đầu tư. Việt Nam sẽ chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với các dự án quan trọng theo kế hoạch chương trình đầu tư của Chính phủ và các dự án khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

“Không nên quy định cứng để dồn hết trách nhiệm lên phía ngân hàng cũng như Chính phủ. Tùy từng trường hợp sẽ áp dụng những cách xử lý đa dạng khác nhau để đảm bảo lợi ích các bên”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuyên bố.

Với nội dung trao đổi trên, chúng ta có thêm kỳ vọng về ý chí chọn lọc dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như tạo thế chủ động, bình đẳng trong quan hệ kinh tế đối ngoại – một “sân chơi” đang ngày càng được mở rộng cùng với các Hiệp định FTA; BTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia trong thời gian tới.

Ngọc Khanh

thời báo ngân hàng