Sau World Bank, đến lượt IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2014

Sau World Bank, đến lượt IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2014

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 do bức tranh không được khả quan như kỳ vọng trong quý 1, đặc biệt là tại Mỹ và triển vọng “kém lạc quan hơn” tại một số thị trường mới nổi.

* World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2014

* Kinh tế Nga, Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt

* IMF hạ dự báo tốc độ tăng GDP của kinh tế Mỹ xuống mức 1,7%

Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 3.4% trong năm nay, thấp hơn 0.3% so với mức ước tính đưa ra hồi tháng 4/2014 nhưng vẫn ghi nhận sự cải thiện so với tốc độ tăng trưởng 3.2% trong năm 2013.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố hôm thứ Năm (24/07), IMF cho biết: “Tăng trưởng toàn cầu có thể suy yếu trong một thời gian lâu hơn vì thiếu động lực mạnh mẽ từ các nền kinh tế phát triển bất chấp môi trường lãi suất thấp và sự suy giảm của các yếu tố cản trở đà phục hồi”.

Cơ quan này cho biết thêm: “Tại một số nền kinh tế mới nổi lớn, các tác động tiêu cực đối với đà tăng trưởng xuất phát từ tình trạng căng thẳng nguồn cung và hành động thắt chặt các điều kiện tài chính trong năm qua có thể tiếp tục kéo dài”. Được biết, ngân hàng trung ương của một số thị trường mới nổi, bao gồm Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng mạnh lãi suất trong giai đoạn 2013-2014, qua đó dẫn đến sự thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính.

Với kỳ vọng tăng trưởng tại một số nền kinh tế phát triển sẽ phần nào mạnh hơn trong năm tới, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 ở mức 4%.

Cũng trong báo cáo, IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng 2014 của Mỹ bớt 1.1% xuống còn 1.7% khi cho rằng dù nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang phục hồi nhưng sẽ chỉ bù đắp phần nào kết quả yếu kém trong quý 1/2014 do đà phục hồi khá mong manh của lĩnh vực đầu tư.

Được biết, GDP quý 1 của Mỹ tăng trưởng âm đến 2.9% so cùng kỳ 2013, tốc độ sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm do bức tranh yếu kém của thị trường nhà ở cũng như tốc độ lưu kho hàng hóa chậm hơn của các doanh nghiệp và xuất khẩu suy yếu.

Trong khi đó, tăng trưởng tại Eurozone có thể đạt 1.1%, ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ so với mức sụt giảm 0.4% trong năm ngoái. Đáng chú ý, Nhật Bản trở thành điểm sáng trong số các nền kinh tế phát triển. Theo đó, IMF nâng triển vọng 2014 của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á thêm 0.3% lên 1.6%, phản ánh những hiệu quả tích cực của chương trình phục hồi kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics).

Ngoài ra, IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của các thị trường mới nổi từ 4.8% xuống 4.6%, thấp hơn so mức 4.7% trong năm 2013. Tổ chức này cảnh báo tình hình tại một số thị trường mới nổi sẽ khó khăn hơn đồng thời cắt giảm dự báo của Brazil, Mexico, Nam Phi và Nga.

Trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu, IMF cho rằng tất cả các nền kinh tế phát triển lớn nên duy trì chính sách tiền tệ thích hợp. Được biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cắt giảm chương trình kích thích trị giá hàng ngàn tỷ USD vào đầu năm nay và có thể nâng lãi suất dần dần trong nửa đầu năm 2015.

Phước Phạm (Theo CNBC, CNN Money)