S&P: Nợ xấu có thể làm giảm lợi nhuận ngân hàng Việt Nam trong 12-18 tháng tới

S&P: Nợ xấu có thể làm giảm lợi nhuận ngân hàng Việt Nam trong 12-18 tháng tới

Standard & Poor’s (S&P) cho rằng nợ xấu ngày càng tăng cao có thể làm giảm đáng kể sự linh hoạt của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên S&P vẫn duy trì triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam ở mức "ổn định".

* ACB, STB, CTG và Agribank được giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm; triển vọng ACB từ “tiêu cực” lên “ổn định”

* S&P's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

 

Trong báo cáo mang tên “Không dễ để xử lý vấn đề nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam” công bố hôm 14/07, S&P bày tỏ thận trọng khi cho rằng các ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao về chất lượng tài sản do các doanh nghiệp khó có khả năng thanh toán nợ nần trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

“Nợ xấu có thể làm giảm vốn hóa và lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới”, Ivan Tan - chuyên viên phân tích tín dụng của S&P nhận định trong báo cáo.

Ông Tan cho biết nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng cao do các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với tình trạng doanh số thấp, tồn kho cao và dòng tiền yếu.

Tuy nhiên, báo cáo của S&P cũng lưu ý rằng Chính phủ dự định áp dụng thêm một số chuẩn mực nghiêm ngặt hơn để xử lý nợ xấu.

Ông Tan cho biết: “Chúng tôi ước tính nợ xấu thực sự của hệ thống ngân hàng cao hơn so nhiều với công bố do sự thiếu nhất quán trong việc phân loại và chuẩn mực công bố cho các ngân hàng”.

Ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, Chính phủ vẫn chưa đưa ra kế hoạch đẩy mạnh hệ thống ngân hàng thông qua cải cách và xóa nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng”.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam ở mức ‘ổn định’ vì xếp hạng của chúng tôi đã chiết khấu xong rủi ro chất lượng tài sản và lợi nhuận ảm đạm”, ông nói thêm.

S&P thừa nhận các biện pháp bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã bắt đầu mang lại một số kết quả. Đồng thời, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này còn chỉ ra rằng những biện pháp đó cho thấy Chính phủ đã lựa chọn các chính sách nhấn mạnh đến sự ổn định và nhu cầu cần phải giải quyết những thiếu sót về mặt cơ cấu trong hệ thống ngân hàng.

Phước Phạm (Theo The Star, S&P)