TP.HCM: Doanh nghiệp kêu khó vì tiền thuê đất

TP.HCM: Doanh nghiệp kêu khó vì tiền thuê đất

Ngày 24-7, tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phối hợp với Hội doanh nghiệp quận Phú Nhuận tổ chức hội thảo "Khó khăn của doanh nghiệp về giá thuê đất".

Nhiều vướng mắc

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM rất bức xúc vì giá tiền thuê đất bị tăng lên quá cao trong khi các DN còn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chỉ trong vòng 2 năm từ 2010 đến 2012, giá thuê đất đã tăng từ 3 đến 4 lần, thậm chí nhiều nơi tăng từ 5 đến 7 lần, trở thành gánh nặng của DN.

Tại hội thảo, phần lớn các DN đều bày tỏ sự bức xúc về việc tăng tiền thuê đất một cách đột ngột với một khoản truy thu rất lớn tiền thuê đất từ nhiều năm trước khiến cho DN lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Các DN kiến nghị nhà nước cần có lộ trình về việc tăng giá đất để DN chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua việc giãn thời hạn nộp tiền thuê đất bị truy thu, không tính tiền phạt chậm nộp và nên thống nhất một cơ quan đầu mối phụ trách về tiền thuê đất.

Ông Đỗ Văn Biên, Công ty CP giày dép Nam Á cho rằng, việc nhà nước bắt DN phải nộp tiền thuê đất của vài năm trước trong một lúc khiến cho DN không thể xoay sở được vì số tiền truy thu lớn, thậm chí chiếm đến nửa số vốn hiện có của DN. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết, có một công ty con của DN này đang bị truy thu 90 tỉ đồng tiền thuê đất từ năm 2006 đến nay trong khi vốn của Công ty chỉ có 60 tỉ đồng. Với những vướng mắc như trên nên hiện tại DN chưa kí hợp đồng thuê đất với Sở Tài Nguyên môi trường. Tuy nhiên nếu không có hợp đồng thì DN lại không được hưởng các chính sách miễn giảm tiền thuê đất…

Theo tính toán của ông Bùi Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty may 30-4 thì giá tiền thuê đất trong giai đoạn 2006 đến năm 2010 đã tăng 525% so với thời điểm trước đó và trong giai đoạn 2011-2015 tăng gần 400% so với giai đoạn 2006-2010. Không chỉ vậy có quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến quy định về tiền thuê đất khiến cho DN bị rối. “Chỉ từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 tôi đã phải nghiên cứu đến 11 văn bản về tiền thuê đất”- ông Nghĩa bức xúc.

Ông Phạm Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco cho rằng, bức xúc của DN liên quan đến tiền thuê đất chủ yếu là về lộ trình tăng giá thuê không phù hợp. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, hàng loạt DN phải đóng cửa, việc tăng tiền thuê đất đột ngột sẽ khiến cho các DN ngày càng kiệt quệ. Do vậy, cần có lộ trình tăng giá và có thông báo để DN có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình.

Thuê theo giá thị trường

Liên quan đến những vướng mắc của DN, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính TP.HCM cho biết, nguyên tắc thực hiện tính tiền thuê đất là dựa theo bảng giá đất công bố hàng năm của UBND thành phố. Tuy nhiên, giá đất theo bảng giá đất của UBND TP.HCM trước 2006 trên thực tế chỉ bằng 30% giá thị trường. Do vậy các văn bản sau này tính giá đất trên cơ sở giá thị trường để mang lại sự công bằng cho các DN và đảm bảo các đơn vị phải sử dụng tốt nguồn lực đất đai, tiết kiệm, gắn với sự chuyển đổi của nền kinh tế. Đồng thời, việc áp dụng tính tiền thuê đất theo giá thị trường cũng để tránh tình trạng các sản phẩm của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu. Do vậy, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 cũng áp dụng tính tiền thuê đất theo giá thị trường.

Tuy nhiên, ông Chiến thừa nhận, thời điểm đưa ra chính sách tăng tiền thuê đất là chưa phù hợp do năm 2010, thị trường bất động sản đóng bằng, kinh tế khó khăn nên việc tăng giá thuê đất đã gây sốc cho các DN.

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN về tiền thuê đất, Sở Tài chính đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép TP.HCM không tính giá đất theo giá thị trường mà xây dựng hệ số xác định tiền thuê đất bằng 2 lần bảng giá đất của thành phố đưa ra nhằm giảm áp lực về tiền thuê đất cho DN. Do vậy, không có chuyện tiền thuê đất tăng lên 4 đến 5 lần như DN phản ánh, ông Chiến khẳng định.

Liên quan đến việc truy thu tiền thuê đất từ năm 2006, ông Chiến cho biết, từ năm 2006, việc tính tiền thuê đất được chuyển từ Cục Thuế sang Sở Tài chính, tuy nhiên có nhiều trường hợp DN không kê khai tiền thuê đất của chu kì 2006-2010 nên bị truy thu. Một số trường hợp như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn có diện tích đất sử dụng lớn dẫn đến bị truy thu nhiều gây khó khăn cho DN. Một số bị truy thu nhiều cộng thêm phần lãi phạt chậm nộp nên DN không chịu nổi. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Chính phủ đã cho phép trong các trường hợp này được tính giá thuê đất tại thời điểm năm 2006 nhưng hệ số tính tại thời điểm hiện nay. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP với nhiều chính sách giãn, giảm nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về tiền thuê đất.

Cùng quan điểm như trên, bà Lê Thị Tám, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng, vướng mắc liên quan đến tiền thuê đất của các DN chủ yếu là do việc triển khai phổ biến các văn bản pháp luật và tiếp cận văn bản chưa kịp thời. Theo bà Lê Thị Tám, có một số trường hợp DN bị truy thu một số tiền lớn do chưa xác định lại đơn giá tiền thuê đất giữa hai chu kì. Do vậy, các DN cần chủ động tiếp cận văn bản sớm hơn, xác định đơn giá của chu kì sớm hơn để chủ động trong sản xuất và phân bổ lợi nhuận. Ngoài ra, về thủ tục giảm giãn tiền thuê đất là các DN phải được nhà nước cho thuê đất và đã được xác định lại đơn giá đất theo từng chu kì. Do đó, có nhiều DN do không xác định lại đơn giá đất nên không đủ điều kiện được giãn, giảm.

Liên quan đến kiến nghị của DN về việc gia hạn đóng tiền thuê đất bị truy thu, bà Tám cho biết, cơ quan Thuế địa phương không đủ thẩm quyền gia hạn các khoản tiền thuê đất của DN bị truy thu. Tuy nhiên, đối với việc cưỡng chế khoản nợ tiền thuê đất trên 90 ngày, Cục Thuế TP. HCM cũng đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét đối với các khoản thu từ đất, đặc biệt là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.

Nguyễn Huế

hải quan