TS Lê Xuân Nghĩa: Sự dịch chuyển “khối u” nợ xấu từ năm 1989 đến nay

TS Lê Xuân Nghĩa: Sự dịch chuyển “khối u” nợ xấu từ năm 1989 đến nay

Xung quanh buổi Đối thoại tại triển lãm Bất động sản năm 2014 - Giao dịch nhà đất trên dưới 1 tỷ đồng, TS Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn đề cập về năng lực điều hành hệ thống ngân hàng nói chung cũng như vòng luẩn quẩn nợ xấu của thị trường tín dụng từ năm 1989 đến nay.

Theo thời gian, vấn đề nợ xấu càng dai dẳng và diễn biến như “một khối u” nhức nhối của nền kinh tế đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, thời kỳ đòi hỏi sức khỏe quốc gia phải thật sự dẻo dai và bền bỉ mới có thể đón nhận những thử thách trên thương trường quốc tế. TS Nghĩa ví von hệ thống ngân hàng Việt Nam là “một con bệnh”, nợ xấu của ngân hàng là “một khối u”, nó được di chuyển qua lại giữa “phòng cấp cứu” và “phòng điều trị”.

Hệ thống Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 1989-1997 đã khiêng nợ xấu từ “phòng điều trị” đến “phòng cấp cứu”, cấp cứu hô hấp khẩn cấp!, TS Nghĩa nêu vấn đề.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam ngay từ những ngày đầu mở cửa thì đã dần hình thành “những khối u” qua các vụ án mang dấu ấn lịch sử như EPCO Minh Phụng trong những năm 90 thế kỷ trước, rồi việc tín dụng trả chậm xuất hiện. Tuy nhiên bước sang thời kỳ phát triển mới, giai đoạn 1999-2007 thì lại khiêng từ phòng cấp cứu sang phòng điều trị, loay hoay một thời gian thì mổ được khối u của nó ra, TS Nghĩa ví von về công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng.

Mặc dù có không ít “tai tiếng” trong những vụ việc liên quan đến in tiền polymer nhưng về cơ bản trong thời gian quản lý hệ thống ngân hàng, dấu ấn mà thời kỳ này để lại là vào năm 2003, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) xảy ra vụ việc phao tin đồn lãnh đạo ngân hàng đang chuẩn bị trốn ra nước ngoài. Khi đó, Thống đốc NHNN đã nhanh chóng đứng ra bảo đảm cho ACB về khả năng thanh toán nếu như khách hàng rút tiền.

Song cuối cùng thì “khối u” nợ xấu chưa kịp “xạ trị, hóa trị”, chưa kịp xem nó đã “di căn” tới đâu thì hệ thống ngân hàng chuyển từ “phòng điều trị” xuống “phòng cấp cứu” trong giai đoạn 2008 - 2011.

Cũng trong giai đoạn này, “bệnh tình nặng hơn rất nhiều, không chỉ có nợ xấu, sở hữu chéo mà còn cả vấn đề kinh tế vi mô như lạm phát cao, dự trữ ngoại tệ từ 23 tỷ tụt xuống còn 7 tỷ USD. Và đặc biệt thị trường vàng làm rối loạn ngành ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế”. TS Nghĩa đưa ra những dẫn chứng.

Từ năm 2011 đến nay, tình hình nợ xấu ngày càng trầm trọng thêm với các khoản nợ không ngừng gia tăng của thị trường bất động sản (BĐS), hệ thống ngân hàng lại tiếp tục được “khiêng” từ “phòng cấp cứu” về “phòng điều trị”.

Điểm tích cực trong giai đoạn hiện tại bao gồm ổn định nền kinh tế vĩ mô; phục hồi được dự trữ ngoại tệ lên mức 35 tỷ USD vào tháng 4/2014; chấm dứt tình trạng vàng hóa nền kinh tế, chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng chuyển sang quan hệ mua bán vàng miếng để tăng dự trữ ngoại hối cho nền kinh tế.

Khi đó những rủi ro về vàng trong hệ thống ngân hàng dần được chấm dứt, thế nhưng “khối u” nợ xấu vẫn còn nguyên, hiện tại chỉ mới ở mức “thò được vài con dao thăm dò sinh tiết!” theo như lời TS Nghĩa.

Có thể thấy từ những khoản nợ khủng của thủy sản Phương Nam hơn 16,000 tỷ đồng và nhiều ngân hàng có các “đại gia” mang những khoản nợ tương đương như vậy cùng với cách xử lý nợ xấu như hiện nay, thì khó có thể đảm bảo được khả năng xử lý đi đến tận gốc.

Đối mặt với những vấn đề cấp bách trên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đang tích cực thuyết phục Chính phủ và NHNN tăng cường các biện pháp và chính sách tái cấu trúc ngân hàng, “nếu không tái cấu trúc thì không thể nào vực dậy nền kinh tế lên được, nếu không làm nhanh làm kịp thời thì mọi ý tưởng phục hồi sẽ sụp đổ thành mây khói”, TS Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận.

Thiên Minh