Vocarimex: hấp dẫn nhờ đất

Vocarimex: hấp dẫn nhờ đất

Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) sắp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Dù hiệu quả kinh doanh trong những năm qua khá thấp nhưng tiềm năng và tài sản “chìm nổi” của công ty này vẫn có thể khiến cổ phiếu Vocarimex trở nên hấp dẫn.

Hiệu quả kinh doanh thấp

Theo báo cáo tài chính của Vocarimex lợi nhuận sau thuế của công ty trong ba năm qua chỉ quanh mức 18-50 tỉ đồng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) quanh mức 2-5%. Đây là mức rất thấp so với quy mô vốn công ty và những doanh nghiệp cùng ngành khác.

Doanh thu của Vocarimex năm 2013, đạt 4.192 tỉ đồng, tăng 13,5% so với năm 2012, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2011. Doanh thu của công ty tương đương với doanh thu của Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC), một công ty con của Vocarimex đang niêm yết trên sàn. Sản lượng bán ra năm 2013 của Vocarimex đạt khoảng 181.000 tấn, trong đó nhóm dầu xá chiếm tỷ trọng 94%. Thị phần của Vocarimex hiện chiếm khoảng 24% thị trường dầu thực vật ở Việt Nam.

Dù doanh thu lớn nhưng lợi nhuận gộp của công ty lại ở mức rất thấp. Tính trung bình từ năm 2010-2013 tỷ suất lợi nhuận gộp của Vocarimex chỉ ở mức 2,75%, thấp hơn rất nhiều so với mức gần 10% của Tường An. Dù lợi nhuận biên khá thấp nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp hàng năm của công ty lại rất cao. Cụ thể, năm 2013 chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 66 tỉ đồng, trước đó các năm 2012 và 2011 cũng trên 60 tỉ đồng.

So với Tường An, công ty chỉ có vốn chủ sở hữu bằng một phần ba so với Vocarimex nhưng lợi nhuận hàng năm quanh mức 80-100 tỉ đồng, tức cao gấp 2-3 lần Vocarimex. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Tường An trung bình trong bốn năm gần đây cũng lên tới 17%, cao gấp 4-6 lần so với Vocarimex.

Cổ phiếu vẫn hấp dẫn

Theo thông tin được công bố, vốn điều lệ của Vocarimex được xác định trước thời điểm đấu giá là 1.218 tỉ đồng. Sau đấu giá cổ đông nhà nước chỉ còn nắm giữ 36%, phần còn lại 31,12% sẽ chào bán công khai, 0,88% bán cho người lao động, 32% bán cho hai đối tác chiến lược là Công ty cổ phần Kinh Đô và Chứng khoán Việt Nam Thịnh Vượng. Giá bán cho đối tác chiến lược là 11.300 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là giá khởi điểm của đợt đấu thầu.

Như vậy, khác với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, với Vocarimex sau IPO cổ đông nhà nước không còn nắm tỷ lệ chi phối mà chỉ nắm vừa đủ tỷ lệ phủ quyết trong đại hội đồng cổ đông. Nhiều người cho rằng điều này sẽ tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu bởi cổ đông bên ngoài có thể tham gia mạnh vào việc quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, với đối tác chiến lược lớn là Kinh Đô thì nhiều người kỳ vọng Vocarimex sẽ thoát khỏi cái bóng trì trệ của một doanh nghiệp nhà nước, đạt lợi nhuận cao và phát triển nhanh.

Mức giá bán cho đối tác chiến lược và đưa đi đấu giá cao hơn một chút so với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, với mức giá này thì với lợi nhuận năm 2013, chỉ số P/E lên tới 30 lần. Nếu so với mức sinh lời trong bốn năm gần đây thì P/E tại mức giá khởi điểm lên đến 40 lần. P/E của Vocarimex cao gần 3-4 lần so với Tường An. Như vậy, nếu nhìn ở góc độ này thì giá cổ phiếu của Vocarimex rất khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của Vocarimex lại nằm ở chỗ khác. Chỉ riêng với phần giá trị bất động sản có diện tích 123.876 mét vuông tại Hà Nội và TPHCM đang được công ty thuê lâu dài có giá trị cao hơn hàng trăm tỉ đồng so với giá trị sổ sách.

Bên cạnh đó, danh mục đầu tư của Vocarimex vào các công ty con trong ngành có giá trị 1.233 tỉ đồng. Cụ thể, Vocarimex đang sở hữu 51% cổ phần Tường An, một thương hiệu khá lớn. Bên cạnh đó, Vocarimex cũng đang sở hữu 28%, tương đương hơn 300 tỉ đồng, tại Công ty Dầu thực vật Cái Lân. Nếu chỉ tính riêng hai khoản đầu tư này thì giá trị của Vocarimex hiện nay cũng đã tăng hơn hàng trăm tỉ đồng so với giá trị sổ sách hồi đầu năm.

Xét về triển vọng ngành nghề hoạt động chính, chỉ tính riêng thị phần công ty mẹ Vocarimex đã chiếm khoảng 24% thị trường cả nước. Dù trong một vài năm qua tăng trưởng doanh thu của công ty khá thấp nhưng tiềm năng phát triển của ngành dầu thực vật còn rất lớn. Năm 2013, mức tiêu thụ dầu thực vật bình quân đầu người ở Việt Nam ước tính 8,3-9 ki lô gam/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức 13,5 ki lô gam theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bên cạnh đó, theo dự báo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (IPSI) đến năm 2015 mức tiêu thụ dầu thực vật bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 16,2-17,4 ki lô gam và đến năm 2020 khoảng 18,6-19,9 ki lô gam/người/năm.

Như vậy, ngành dầu thực vật vẫn là ngành sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Hiện nay, Vocarimex cũng đang đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào dự án dây chuyền tinh luyện 100 tấn/ngày, mở rộng nhà máy thành phẩm B1... Với việc mở rộng này công ty đang kỳ vọng doanh thu tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu thuộc ngành hàng tiêu dùng này như MSN (tập đoàn Masan), VNM (Công ty Sữa Việt Nam), TAC (Tường An) đang được giao dịch khá cao trên sàn do nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của chúng.

Hồ Bá Tình

tbktsg