Vụ án bầu Kiên: Từ chuyện giải thích luật

Vụ án bầu Kiên: Từ chuyện giải thích luật

Khi vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm (gọi tắt là vụ án bầu Kiên) được đưa ra xét xử, báo chí đặt vấn đề liệu có phải Ngân hàng Nhà nước đã giải thích luật.

Sở dĩ như vậy là vì cơ quan điều tra hỏi Ngân hàng Nhà nước (chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và nơi này có công văn trả lời về điều 106 của Luật các tổ chức tín dụng liên quan đến quyền ủy thác, nhận ủy thác trong lĩnh vực ngân hàng. Trả lời của Ngân hàng Nhà nước sau đó được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và hội đồng xét xử sử dụng làm căn cứ để buộc các lãnh đạo Ngân hàng ACB tội “cố ý làm trái...”.

Mười luật sư tham gia bào chữa trong vụ án bầu Kiên cũng muốn tìm kiếm sự giải thích điều 106, nhưng họ đệ đơn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thật trớ trêu, đúng là theo Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất được quyền giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh, nhưng việc giải thích sẽ không được thực hiện theo đơn của các luật sư hay bất kỳ người dân nào. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chỉ Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận hay đại biểu Quốc hội mới có quyền kiến nghị việc này. Luật sư hay nói chung là người dân bình thường thì chưa được quyền kiến nghị. Cho đến nay, chưa thấy có phương thức nào kết nối hữu hiệu nhu cầu giải thích luật từ thực tế đời sống đến các nơi có quyền kiến nghị.

Điểm lại, trong thời gian qua, vì nhiều lý do, số nghị quyết giải thích luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chỉ đếm trên đầu ngón tay. So với rừng luật khung, luật ống thiếu rõ ràng, không đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau, khiến phải có giải thích hay hướng dẫn chi tiết thì mới có thể thực thi như hiện nay thì con số này... như muối bỏ biển. Cũng vì sự hiếm hoi đó nên giới chuyên gia đã có nhiều cuộc thảo luận về việc chuyển thẩm quyền giải thích pháp luật cho cơ quan tòa án, thậm chí cho cơ quan hành pháp.

Đặt câu hỏi về giải thích pháp luật từ vụ án bầu Kiên (mà nội dung giải thích kéo theo câu hỏi về quyền tự do kinh doanh) trong mục tiêu bảo vệ các quyền hiến định khác như quyền tự do cư trú, quyền sở hữu tài sản, sẽ thấy nhu cầu cấp thiết về một cơ chế bảo hiến. Bởi, như một lẽ đương nhiên, cơ quan hành pháp sẽ hướng dẫn hay giải thích luật theo lối có lợi cho nhiệm vụ quản lý của mình, đẩy khó cho người dân. Như trong trường hợp của Ngân hàng Nhà nước, do cơ quan này chậm ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác, nhận ủy thác nên ACB mới cầm đèn chạy trước ô tô, nay họ lại “giải thích luật” theo kiểu mình không có trách nhiệm gì về sự chậm trễ này, ai không chờ nổi thì phải bị xử.

Còn nhớ, tháng 1-2012, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ra nghị quyết không cho những người đang ở nhà thuê, mượn hay ở nhờ đăng ký thường trú tại các quận nội thành. Ngay khi nghị quyết được thông qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng nó vi phạm quyền công dân theo Hiến pháp và Luật Cư trú. Cục Kiểm tra văn bản pháp luật thuộc Bộ Tư pháp cũng khẳng định nghị quyết không hợp pháp. Thế nhưng, Đà Nẵng vẫn bảo lưu quan điểm. Và rồi vụ việc lơ lửng tại đây, không nơi nào đứng ra giải quyết, kể cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiến pháp sửa đổi mới được thông qua vẫn giữ nguyên các quyền công dân như quyền được tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình... Vấn đề là, theo quán tính hành pháp và tư pháp hiện nay, để các quyền này trở thành thực tế, cần phải có luật quy định mà điều đó thì vẫn chưa có. Một cơ chế bảo hiến, theo cách thức phân xử nào đó, liệu có thể tạo sức ép để hiện thực hóa các quyền hiến định, bên cạnh việc xử lý những luật lệ vi hiến. Chẳng hạn người dân có quyền thực thi quyền của mình nếu chờ lâu quá không thấy cơ quan nhà nước có hướng dẫn? Bảo hiến, nên chăng bao gồm cả việc giải thích pháp luật sao cho không chỉ để nó trở nên rõ ràng hơn mà còn không được vi hiến.

Trước và trong quá trình sửa đổi bản Hiến pháp vừa rồi, hình hài của cơ chế bảo hiến cũng đã được đề cập đến. Và nay, tính cần thiết, cấp thiết của nó đang được thực tế minh chứng thêm.

Nguyên Lê

tbktsg