Chứng khoán phái sinh: "Sân chơi riêng" cho công ty chứng khoán có vốn trên 500 tỷ?

Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh: "Sân chơi riêng" cho công ty chứng khoán có vốn trên 500 tỷ?

UBCKNN công bố dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, về điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh yêu cầu CTCK thực hiện môi giới chứng khoán phái sinh phải có vốn trên 700 tỷ đồng.

* Dự thảo Nghị định của Chính phủ về CKPS và TTCKPS

Cụ thể, hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh bao gồm các hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh của tổ chức kinh doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh và các hoạt động khác liên quan đến chứng khoán phái sinh.

Về điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng trở lên.

Công ty chứng khoán thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và có đăng ký hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 700 tỷ đồng trở lên.

Danh sách CTCK có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng tính đến 30/06/2014
ĐVT: tỷ đồng

Tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh phải là công ty quản lý quỹ, hoặc là công ty chứng khoán đã được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định.

Ngoài ra, công ty chứng khoán và tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hoặc đang trong tình trạng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mà chưa thực hiện đầy đủ các chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh phải là ngân hàng lưu ký có vốn điều lệ từ 5,000 tỷ đồng trở lên và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh.

Dự thảo Thông tư cũng nhấn mạnh công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh trừ trường hợp hợp đồng quản lý danh mục đầu tư ký với khách hàng ủy thác và điều lệ quỹ, điều lệ công ty đầu tư chứng khoán có điều khoản cho phép sử dụng nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán để đầu tư vào chứng khoán phái sinh. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Minh Hằng