Có cổ đông chiến lược ngoại, lợi nhuận ngân hàng vẫn “bèo”

Có cổ đông chiến lược ngoại, lợi nhuận ngân hàng vẫn “bèo”

Sự tham gia của cổ đông chiến lược ngoại mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, trong đó điều dễ thấy nhất là sự tăng về quy mô vốn. Tuy nhiên, tại đa số ngân hàng này, lợi nhuận tạo ra chưa tương xứng với việc tăng vốn.

Bên cạnh việc can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh hay thăm dò để tiếp cận thị trường trong nước, hoặc chỉ là đầu tư tài chính đơn thuần, chúng ta cũng thường được nghe rằng lợi ích từ đối tác chiến lược nước ngoài mang lại cho ngân hàng trong nước là không nhỏ. Các đối tác này sẽ hỗ trợ ngân hàng trong nước về công nghệ, quản lý nhân sự, phương pháp kinh doanh tiên tiến trên thế giới và đặc biệt là rót một lượng vốn lớn mà không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực này.

Tuy nhiên, nếu so sánh cột mốc trước và sau khi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài trong thời gian qua, bên cạnh việc tăng trưởng mạnh về vốn, lợi nhuận của các ngân hàng cũng có sự gia tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với mức tăng về vốn. Đồng thời, chỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần (EPS) của nhiều ngân hàng cũng giảm sút đáng kể khi lợi nhuận tạo ra chưa theo kịp quy mô vốn. Điều này cũng tạo một lực cản lớn trong việc thu hút đầu tư của các ngân hàng bởi lợi nhuận cũng là nhân tố quan trọng có đáng “đồng tiền bát gạo” khi rót vốn vào.

Những ngân hàng thương mại có cổ đông chiến lược nước ngoài (Tỷ lệ sở hữu tính đến cuối 2013 và giữa 2014)

Bảng EPS qua các năm của một số ngân hàng
ĐVT: đồng

Điển hình là tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN – Eximbank (EIB), sau khi hợp tác với Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) – Nhật Bản từ cuối năm 2007, vốn của Eximbank tăng gấp đôi trong năm này và tăng gấp 4.5 lần vào năm 2008 nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận lại chưa tương xứng. Theo như thỏa thuận này, SMBC và Eximbank sẽ hợp tác toàn diện nhằm bổ sung công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến. Ngoài ra, SMBC còn hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ, cử chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể.

Tại Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), số phận của cổ đông chiến lược Fullerton Financials Holding Pte. Ltd. chưa biết đi về đâu khi MDB dự kiến sáp nhập vào MaritimeBank. Fullerton Financials Holding bắt đầu tham gia vào MDB từ năm 2010. Kể từ khi có sự tham gia của Fullerton Financials Holding, ngân hàng tự cho rằng “lịch sử phát triển của MDB đã chính thức bước sang trang mới”. Tuy nhiên, kể từ năm 2010 với sự tham gia của Fullerton Financials Holding, lợi nhuận của MDB tăng hơn 50% nhưng vẫn không thấm vào đâu so với tốc độ tăng vốn. Giữa năm 2012 đến cuối năm 2013, tỷ lệ sở hữu của Fullerton Financials Holding tại MDB là 20%. Ngoài cổ đông chiến lược này, MDB còn có các cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Tiến 10% và MaritimeBank 10.06% tính đến cuối năm 2013.

Lãi sau thuế và vốn điều lệ qua các năm của Eximbank, Seabank và MDB
ĐVT: tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) cũng đón nhận ba cổ đông chiến lược, trong đó có Ngân hàng Société Générale nắm giữ 20% cổ phần. Thông qua sự hợp tác với Société Générale, từ giữa năm 2009, SeABank đã quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ tiêu biểu tại Việt Nam. Kết quả của ngân hàng có sự tăng trưởng đáng kể đến năm 2010 nhưng đã giảm sút mạnh trong hai năm sau đó.

Cổ đông ngoại… khó tìm

Công cuộc tìm kiếm đối tác ngoại vẫn đang tiếp diễn, tuy nhiên dường như không còn thuận lợi. Vào cuối năm 2013, sau thời điểm chính thức thông báo về việc nhận hợp nhất Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) thì Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) có chia sẻ về việc đang xem xét, chọn lựa bán 30% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết 3 nhà đầu tư Nhật Bản đang là ứng viên sáng giá nhất.

Hay như tại Sacombank (STB), vào tháng 05/2013, Sacombank công bố chốt tỷ lệ room cho các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 10% và 20% còn lại sẽ được ngân hàng bán cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó STB lại công bố điều chỉnh room nước ngoài về lại mức 30% do ngân hàng chưa thể đàm phán được với các đối tác từ Nhật. Mặc dù chưa tìm kiếm được đối tác nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, đại diện từ STB cho biết sẽ vẫn tiếp tục quá trình này.

Còn Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cho biết hiện HĐQT vẫn đang trao đổi qua lại với một vài đối tác nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp trong tương lai. Trước đó, vào năm 2006, DongABank từng ký kết hợp tác với CitiBank, ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 2,000 tỷ, trong đó bán 600 tỷ đồng cổ phiếu (30% vốn) cho đối tác chiến lược mà ứng viên sáng giá theo nhận định từ báo chí là CitiBank. Bên cạnh đó, DongABank và Citibank đã từng ký biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực đào tạo và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, trong đó Citibank mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của DongABank. Tuy nhiên, sau đó không thấy thông tin CitiBank nắm giữ cổ phần DongABank và ngân hàng vẫn chật vật tìm kiếm đối tác chiến lược cho mình.

Những nhà băng như Quân đội (MBB) và BIDV (BID) cũng đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 về việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Trong đó MBB sẽ chào bán 390.6 triệu cp cho cổ đông, đối tác chiến lược dự kiến trong quý 3,4/2014 nhưng vẫn chưa có được những cái tên cụ thể.

Ở một khía cạnh khác, trong quá khứ cũng không ít cổ đông chiến lược nước ngoài đã chọn con đường rút lui. Ngân hàng ANZ đã thoái toàn bộ vốn (gần 10%) tại Sacombank vào đầu năm 2012, ngay tại giai đoạn đầy sóng gió của ngân hàng này trước làn sóng thâu tóm và đổi chủ. Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore cũng bán toàn bộ 14.88% cổ phần (85.83 triệu cp) tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho một nhóm nhà đầu tư cá nhân người Việt vào tháng 11/2013. Được biết OCBC trở thành cổ đông của VPBank vào cuối tháng 09/2006. Những năm trước, kết quả kinh doanh của VPBank không quá nổi bật, nhưng kể từ khi OCBC rút vốn cùng với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Vinh – Nguyên Tổng giám đốc Techcombank cũng ở vị trí Tổng giám đốc tại VPBank, ngân hàng đã có thành quả vượt trội khi lãi 1,018 tỷ đồng trong năm 2013, cao nhất từ trước đến nay.

Cổ đông chiến lược ngoại của Techcombank là Ngân hàng HSBC, bắt đầu nắm cổ phần từ cuối năm 2005 và nâng lên sở hữu tỷ lệ 20% vốn ngân hàng. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là kể từ khi có sự tham gia của HSBC, Techcombank đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, kết quả này không duy trì được và bắt đầu giảm sút mạnh từ năm 2012. Đến ĐHĐCĐ thường niên 2014 vừa qua, HSBC đã tuyên bố rút người khỏi HĐQT và không cử thêm nhân sự tham gia do thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật giữa Techcombank và HSBC ký lần đầu vào năm 2005 sẽ kết thúc vào tháng 6/2014. Động thái này đặt ra nghi vấn về sự rút lui hoàn toàn của HSBC trong tương lai.Lãi sau thuế và vốn điều lệ qua các năm của Sacombank, Techcombank, VPBank.

Lãi sau thuế và vốn điều lệ qua các năm củaSacombank, Techcombank và VPBank
ĐVT: tỷ đồng

* Vòng tròn đỏ là sự tham gia và rút lui của cổ đông ngoại 

Minh Hằng