M&A ngân hàng: Nhiều “ông lớn” bắt tay nhau

M&A ngân hàng: Nhiều “ông lớn” bắt tay nhau

Hoạt động mua bán- sáp nhập (M&A) tại các ngân hàng của Việt Nam trong năm 2014 được đánh giá sẽ không quá nóng như những năm trước khi các ngân hàng yếu lần lượt phải sáp nhập vào các ngân hàng mạnh mà sẽ xuất hiện làn sóng thứ hai: Ngân hàng khỏe bắt tay nhau cùng tạo sức mạnh.

Xu hướng hợp nhất các NHTM lớn sẽ tạo ra các định chế tài chính mang tầm khu vực

Nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư

Sau gần 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, đến nay, tất cả các phương án M&A của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Theo NHNN, các NHTM yếu kém được tái cơ cấu theo các phương án M&A được phê duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và kết quả kinh doanh khả quan hơn so với thời điểm trước M&A. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện, về cơ bản bảo đảm quy định của NHNN; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu đã tích cực được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đã được củng cố, chấn chỉnh.

Từ đầu năm 2014, nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã lần lượt được hé lộ. Các NHTM nhỏ về với nhau hoặc sáp nhập vào các ngân hàng lớn. Những cái tên được nhắc tới nhiều trong kế hoạch sáp nhập như Sourthernbank, DongAbank, PGBank, VietABank, Sacombank, Eximbank.

Tại một diễn đàn M&A vừa được tổ chức mới đây, ông John Ditty- Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia- nhận định, trọng tâm của hoạt động M&A hiện nay vẫn tập trung chủ yếu vào các ngành tài chính, hàng tiêu dùng nhanh, bảo hiểm, viễn thông. “Nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh, khả năng M&A sẽ sôi động lên, quy mô M&A trong lĩnh vực ngân hàng cũng được thay đổi và mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư”- ông John Ditty khẳng định.

Ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN):

Đại hội cổ đông năm 2014 của nhiều NHTM đã công bố việc tìm kiếm các tổ chức tín dụng khác để sáp nhập. Đây được xem là xu hướng tất yếu và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A mới trong thời gian tới.

Sẽ hình thành ngân hàng lớn trong khu vực

“Làn sóng thứ 2” trong hoạt động M&A ngân hàng là cụm từ được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Theo đó, hoạt động M&A sẽ không chỉ là từ các ngân hàng yếu với nhau mà chính những ngân hàng lớn sẽ cùng “bắt tay” liên kết tăng thêm sức mạnh. Ngoài ra, sắp tới hoạt động M&A giữa các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… cũng sẽ được đẩy mạnh. Nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ nhận định, làn sóng M&A thứ 2 đối với ngành ngân hàng sẽ nóng dần trong thời gian tới với sự thay đổi về mọi mặt cả quản trị, quản lý rủi ro.

Đánh giá về triển vọng M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới, theo ông Keith Pogson- Giám đốc Điều hành dịch vụ tài chính ngân hàng của hãng kiểm toán Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương, M&A vẫn là xu hướng tất yếu, bởi hiện nay số lượng ngân hàng ở Việt Nam còn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Có 2 động lực chính đối với lĩnh vực M&A ở Việt Nam là: Chính phủ cho phép các NHTM lớn có thể mua lại NHTM yếu kém hoặc hợp nhất các NHTM lại để trở thành các định chế tài chính lớn mạnh tại thị trường trong nước và vươn ra khu vực. “Để đẩy mạnh M&A giữa các NHTM thì phía quản lý nhà nước cần tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi hơn”- ông Keith Pogson nhấn mạnh.

Phó Tổng giám đốc phụ trách phòng tư vấn, Công ty TNHH Grant Thornton (Việt Nam) Nguyễn Thị Vĩnh Hà nhận xét, xu hướng M&A ngân hàng năm 2014 sẽ theo trình tự ưu tiên: Các tập đoàn lớn thoái vốn đầu tư vào các NHTM; chính các NHTM sẽ chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Bên cạnh đó, một số NHTM lớn có thể được sát nhập theo hướng dẫn, yêu cầu của NHNN để hình thành một NHTM lớn mạnh có thể cạnh tranh trong khu vực.

Thùy Linh

Công thương