Microsoft: Tận lợi từ tránh thuế

Microsoft: Tận lợi từ tránh thuế

Trong báo cáo được công bố mới đây nhất, hãng Microsoft cho biết năm ngoái kiếm được 93 tỷ USD ở nước ngoài.

Điều đó có nghĩa là tất cả các Cty con lớn nhỏ cũng như các phi vụ kinh doanh ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Mỹ đã đưa lại cho hãng này khoản lợi ấy. Điều đó cũng còn có nghĩa là nếu chuyển khoản lợi ấy về nước Mỹ thì Microsoft phải nộp thuế gần 30 tỷ USD - thuế xuất ở Mỹ áp dụng cho trường hợp này là 35%.

Giống như rất nhiều hãng lớn khác của Mỹ, Microsoft để tiền ở nước ngoài để tránh bị đánh thuế cao ở Mỹ. Tận lợi từ tránh thuế không còn là chuyện gì hy hữu hay bí mật trong thế giới kinh doanh mà đã trở thành chủ trương, thậm chí cả chiến lược dài hơi của các hãng. Và họ rất sáng tạo trong chuyện nghĩ ra cách tránh thuế. Mới đây nhất, tập đoàn Burger King của Mỹ đã thâu tóm chuỗi quán cà phê Tim Hortons của Canada. Vụ mua bán này giúp Burger King chuyển hẳn đại bản doanh sang Canada. Ở đó, thuế suất chỉ có 15% chứ không phải tận 35% như ở Mỹ.

Ngoài việc không chuyển lợi nhuận về Mỹ, Microsoft còn có nhiều chiêu thức tránh thuế khác đắc dụng không kém. Chẳng hạn như chuyển lợi nhuận về cho những Cty con ở nước ngoài vốn không kinh doanh ra lợi nhuận ấy. Cách thức đại khái như sau: Microsoft cho Cty con ở nước ngoài bản quyền sở hữu phát minh sáng chế nào đó. Tất cả những lợi nhuận thu được từ khắp nơi trên thế giới nhờ bản quyền này được chuyển đến cho Cty con với mức độ nhất định và như thế tránh bị đánh thuế ở Mỹ. Đương nhiên, Cty con này được thành lập ở nơi mà cái gọi là "môi trường thuế" có lợi nhất cho Microsoft, đại loại như thuế suất lợi tức và doanh thu thấp, kiểm soát và quản lý thuế lỏng lẻo.....

Microsoft không phải là hãng đầu tiên và duy nhất tận lợi từ tránh thuế như thế. Số liệu chính thức và công khai của các hãng cho biết chẳng hạn như năm ngoái hãng Apple để 137,7 tỷ USD ở nước ngoài, General Electric 110 tỷ USD hay Pfizer 69 tỷ USD. Số tiền 2000 tỷ USD là giá trị khối tài sản mà 500 tập đoàn hàng đầu của Mỹ để ở nước ngoài tính đến thời điểm cuối năm ngoái, có nghĩa là các hãng này hàng năm tránh phải nộp thuế khoảng 550 tỷ USD cho nhà nước Mỹ.

Chính phủ Mỹ vốn không thích thú gì với việc bị lọt khỏi tay khoản thu kếch xù như thế nên đang tìm biện pháp đối phó. Mục tiêu mà chính phủ Mỹ đề ra là khích lệ các hãng của Mỹ tăng cường đầu tư vào Mỹ chứ không để tiền của lang thang ở bên ngoài và lại vừa tận thu thuế cả từ nguồn tài sản của các hãng ở nước ngoài. Để đạt được đồng thời cả hai mục tiêu ấy, nước Mỹ không thể không tiến hành cuộc cải cách sâu rộng và cơ bản chính sách thuế và hệ thống thuế. Khách quan mà nói thì nước Mỹ hiện chưa có được sự đồng thuận quan điểm cần thiết trên chính trường, sự hợp tác xây dựng không thể thiếu giữa quốc hội và chính phủ, giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ để khởi động quá trình cải cách thuế. Cho nên các hãng có thể yên tâm tiếp tục tránh thuế và ngoài ra còn có không thiếu thời gian để sáng tạo nên chiêu thức tránh thuế mới.

Sáng kiến mới đây nhất của họ có tên gọi là Tax Holiday, tức là có một ngày trong năm không bị đánh thuế để các hãng thoả sức chuyển tiền từ nước ngoài đầu tư ở Mỹ. Nghe qua không đến nỗi vô lý, nhưng trong thực chất thì vừa đánh đố lại vừa nhạo báng chính giới Mỹ.

Hoàng Mai

dđdn