PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Hãy tạo sóng trên thị trường

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Hãy tạo sóng trên thị trường

Thị trường có sóng, hay còn gọi là thị trường nóng thì mới là thị trường “sống”, nếu thị trường không có sóng cũng đồng nghĩa với thị trường “chết”. Cho nên hãy tạo sóng cho thị trường.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Hoàng Ngân tại buổi hội thảo “Tính hai mặt của hoạt động giao dịch ký quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam” được Khoa Ngân hàng – Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán tổ chức sáng 22/08.

Chủ đề của buổi hội thảo là trao đổi các vấn đề liên quan đến tính hai mặt trong giao dịch ký quỹ trên thị trường chứng khoán (TTCK) thông qua dưới hai hình thức cơ bản là giao dịch vay mua chứng khoán và bán khống.

Vấn đề được đặt ra, thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn trung và dài hạn nhưng hoạt động ký quỹ sẽ tạo sóng trên TTCK, những cổ phiếu sẽ được “đẩy” lên quá giá trị thực thì sẽ tạo ra những rủi ro nào? Như vậy liệu có cần thiết để cho hoạt động giao dịch ký quỹ trên thị trường chứng khoán hay không?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng thị trường có sóng, hay còn gọi là thị trường nóng thì mới là thị trường “sống”, nếu thị trường không có sóng cũng đồng nghĩa với thị trường “chết”. Cho nên hãy tạo sóng cho thị trường.

Trên TTCK có nhiều trường phái đầu tư: trường phái đầu tư giá lên và trường phái đầu tư giá xuống. Chính sự xuất hiện các trường phái này sẽ tạo ra những “con sóng” trên thị trường. Hiện nay, TTCK trong nước mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của bên vay ký quỹ để mua, còn bên bán thì chưa có quy định cho vay ký quỹ để bán (bán khống). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng lách luật cho nhà đầu tư bán khống, điều này dù sai nhưng đã đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, TS Trần Hoàng Ngân nói thêm.

Trên cơ sở đó, ông Ngân cho rằng nên sớm có quy định về sản phẩm phái sinh trên thị trường chứng khoán, giúp nhà đầu tư có thể thực hiện vay ký quỹ để mua hoặc bán tùy theo diễn biến của thị trường.

Về vấn đề đẩy giá cổ phiếu, ông Ngân cho rằng đúng như vậy, nhưng có khi lại là “đẩy giá đúng” vì giá trị ban đầu có thể chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Thường thì giao dịch chứng khoán là giao dịch trước, tức là giá chạy trước các thông tin thực tế phát sinh. Cụ thể hơn, một doanh nghiệp chưa làm ra lợi nhuận nhưng chỉ cần phát ra tín hiệu “suy nghĩ” như sẽ đấu thầu, sẽ làm dự án thì giá đã chạy trước khi thông tin chính thức được công bố.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân chia sẻ thêm, hiện số dư tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng khoảng 2.2 triệu tỷ đồng, trong đó, có nhiều người có khả năng, kiến thức và tư duy đầu tư. Chỉ cần khoảng 30% của con số tiền tiết kiệm này tham gia vào thị trường thì sẽ gia tăng đáng kể tính thanh khoản. Vấn đề là TTCK phải có thêm nhiều sản phẩm độc đáo, minh bạch, công bằng và có công cụ rủi ro thì sẽ tiền trong ngân hàng sẽ chảy sang chứng khoán.

Nên cho bán khống

Hoạt động giao dịch ký quỹ tại Việt Nam chính thức triển khai từ năm 2011 khi UBCK Nhà nước ban hàng thông tư hướng dẫn cụ thể cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) cũng cấp các dịch vụ cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, đến nay thì giao dịch bán khống (short – selling) dù đã phổ biến ở rất nhiều nơi tại thị trường chứng khoán trên thế giới nhưng vẫn chưa có quy chế hướng dẫn áp dụng tại TTCK Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Minh Trí – Phó Giám đốc CTCK Công thương Chi nhánh TPHCM (CTS), nếu TTCK không có nhiều sản phẩm, không có nhiều môi trường để đầu tư thứ cấp thì phát hành sơ cấp không thành công cũng đồng nghĩa với việc không đạt được mục tiêu huy động vốn trung và dài hạn. Do đó, các CTCK cũng phải nghĩ ra cách để tạo ra sản phẩm hấp dẫn nhất thu hút nhà đầu tư giao dịch, thậm chí làm sao để tạo sóng trên thị trường.

Hiện tại, TTCK Việt Nam chỉ cho giao dịch một chiều là ký quỹ mua, ký quỹ bán vẫn chưa được phép. Khi đó lúc thị trường rớt mạnh thì nhà đầu tư chỉ biết lo sợ, chờ đợi và bán cổ phiếu khi chạm ký quỹ quy định.

Qua đó, ông Trí cho rằng nếu cho phép bán khống (vay để bán) thì có thể cân bằng lại thị trường, tức là nhà đầu tư có thể bán trước mua sau, từ đó tạo nguồn cầu và giúp cổ phiếu tăng trở lại.

TS.Trần Phương Thảo – Khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, hoạt động bán khống đã xuất hiện như một chiến lược đầu tư song song với với việc mua bán cổ phiếu truyền thống ở nhiều nước trên thế giới. Nhìn chung hoạt động này làm tăng thanh khoản, tối ưu danh mục đầu tư và phòng chống rủi ro.

Tuy nhiên việc bán khống cũng dễ dẫn đến hoạt động “bóp méo” giá cả chứng khoán và đôi khi bị đánh giá là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của thị trường. Do đó, cần có quy định rõ ràng về nghĩa vụ và quyền người bán khống và người cho mượn chứng khoán, bà Thảo nói thêm.

Theo ý kiến của TS. Thân Thị Thu Thuỷ, Phó Trưởng Khoa Ngân hàng, ĐH Kinh tế TPHCM thì việc bán khống sẽ rủi ro rất cao, vì đây là động thái nhà đầu tư bán hàng hóa mà mình không có vào ngày ra lệnh bán. Giả sử tất cả cùng theo chiều hướng đánh xuống hết thì thị trường thì sẽ có rất nhiều vấn đề xấu xảy ra.

Do đó, bà Thủy đồng ý với UBCK Nhà nước về việc nghiên cứu, thực hiện có lộ trình đối với quy định về bán khống. Tuy nhiên, trong giai đoạn đang khởi động thị trường chứng khoán phái sinh thì việc trước tiên là phải đưa bán khống vào thị trường để đồng bộ khung pháp lý.

Sanh Tín