Tham vọng thoái vốn Nhà nước là khả thi

Tham vọng thoái vốn Nhà nước là khả thi

Cam kết cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015 so với 180 DN được cổ phần hóa trong 3 năm từ 2011 đến 2013, theo một số chuyên gia là lộ trình đầy tham vọng của Chính phủ, nhưng cũng rất thực tế. Dù còn nhiều khó khăn chưa giải quyết, song không ít thương vụ lớn vẫn đang trong quá trình đàm phán, trong đó tín hiệu đã phát đi rõ nét hơn từ các NĐT nước ngoài.

Sôi sục giao dịch M&A

Nhiều NĐT từ Nhật Bản, Mỹ và EU đang tỏ ra rất quan tâm đến tiến trình M&A của Việt Nam. Có những tính toán cho rằng, họ sẵn sàng đổ hàng chục tỷ USD vào các thương vụ mua đứt DNNN, nếu có cơ hội. Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/8, ông Yosida, Chủ tịch Công ty Recof (Nhật Bản) cho biết, một nửa danh mục thông tin thúc đẩy giao dịch M&A của công ty này hiện nay là các thương vụ tại Việt Nam, chủ yếu ở lĩnh vực vận tải, công nghệ, khách sạn, bán lẻ...

Lắp ráp ôtô tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ôtô 1-5

Ba năm trước, mỗi năm có từ 17 - 20 thương vụ M&A giữa DN Việt Nam và Nhật Bản. Nửa đầu năm nay, 4 thương vụ đã có giao dịch thành công. Nhưng với đặc thù tăng tốc cuối năm thì nhiều dự báo cho rằng con số chốt lại có thể đạt tới 30, thậm chí hơn thế vào năm 2016. Bởi các vấn đề nội tại của Nhật Bản như tăng trưởng trong nước chậm, tỷ lệ sinh giảm và một xã hội lão hóa… đã khuyến khích các công ty Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động ra ngoài biên giới.

Tương tự, các đối tác đến từ Mỹ, EU, Singapore, Hong Kong, Thái Lan… cũng không ngồi yên trước làn sóng M&A đang dâng lên tại Việt Nam. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho hay, các NĐT Mỹ và EU luôn trả giá cao và thể hiện sự tin tưởng vào đối tác Việt. Về quy mô, NĐT Mỹ và EU muốn mua công ty mục tiêu ở quy mô lớn, đặc biệt DNNN. “Họ chỉ cần nhìn thấy chiến lược của công ty, mục tiêu khả thi là sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để đầu tư. Đây chính là cơ hội để các DN có thể đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN”, ông Andy Ho cho biết.

Lợi thế không chỉ đến từ trong nước, chính các DN nội địa cũng đang sôi sục M&A bằng cách lựa chọn các công ty tốt đầu tư dài hạn để huy động vốn quốc tế. Lý giải điều này, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM cho biết, trong nửa đầu năm nay, thị trường M&A chứng kiến khá nhiều các thương vụ DN nội thực hiện giao dịch mua lại các DN nội địa khác, hoặc đi mua các công ty nước ngoài.

Ví dụ trong 7 tháng đầu năm 2014, PAN mua thêm cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) và CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC). Không dừng lại, PAN cũng đã mua hơn 3,39 triệu cổ phiếu LAF của CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An. Việc chuyển hướng đầu tư như trên đã khiến PAN lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2014, mức lãi ròng đạt hơn 33,5 tỷ đồng, tăng 84,6% cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Kinh Đô mua PhinDeli và góp 24% vốn vào Vocarimex; FPT mua RWE IT Slovakia; VPBank mua Công ty Tài chính khoáng sản; CT Group mua lại dự án sân golf tại huyện Nhà Bè từ Công ty GS Engineering& Construction (Hàn Quốc)… Tất cả những thương vụ trên đều góp phần tạo ra lợi nhuận cho bên mua trong 6 tháng đầu năm.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Một bằng chứng là Việt Nam hiện đã có trên 17.000 tài khoản của các NĐT nước ngoài được mở. Nhiều quỹ đầu tư, NĐT lớn trên thế giới đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của các DN Việt Nam.

Nhanh hay chậm do mình

Dù đánh giá cao tiến trình cổ phần hóa DNNN thời gian gần đây của Việt Nam, song ông Andy Ho còn băn khoăn về vấn đề cổ phần hóa DNNN đang diễn ra chậm hơn dự kiến và lo ngại đây sẽ là trở ngại chính tác động trực tiếp tới thị trường M&A tới đây. Theo ông Andy Ho, có rất nhiều lý do khiến việc cổ phần hóa DNNN 2 năm qua bị chậm. Chẳng hạn như việc Chính phủ cho phép DNNN được trích lập dự phòng và bán các khoản đầu tư tài chính dưới mệnh giá, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề khó hơn mà ông Andy lo ngại là việc thoái vốn ngoài ngành.

Từ đó, ông Andy Ho cho rằng, nếu thực hiện Nghị quyết 15 của Chính phủ, cho phép thoái vốn kinh doanh ngoài ngành ở mức giá thấp hơn giá trị sổ sách thì việc bán vốn của các DNNN sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các NĐT cả trong nước và quốc tế, khi DN không còn bị phân tán bởi các hoạt động không cốt lõi, không có lợi thế so sánh.

Ở góc độ khác, ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMC tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quyết tâm cổ phần hóa DNNN của Chính phủ là rất lớn, nhưng để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong quãng thời gian từ nay đến năm 2015 thì phải có sự chuyển biến rất lớn về tư tưởng và thực chất quản lý điều hành DN, trong đó có cơ cấu sở hữu, quản lý điều hành, quyền lợi của hệ thống quản lý.

Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, giải quyết vấn đề giá cả hợp lý có thể giúp việc cổ phần hóa DNNN nhanh hơn. Bởi hiện nay, do thiếu các so sánh đáng tin cậy với DN tương đương khiến cho một vài DNNN mặc nhiên được xem là dẫn đầu và có chuyên môn cao, ví dụ như Vinamilk, Petrovietnam Gas… Trong khi đó, với thị trường hiện đang giao dịch ở tỷ lệ P/E 14x và mức độ tăng trưởng lợi nhuận hứa hẹn của một số công ty blue chip, việc đầu tư vào một công ty đang niêm yết đôi khi sẽ tốt hơn việc tham gia IPO vào một DNNN với P/E có thể lên đến 20x và chỉ được niêm yết sau một vài năm…

Nhất là đối với nhiều NĐT, cái họ đang thấy là một thực trạng nhiều báo cáo được ngụy tạo và che đậy, khiến bức tranh toàn cảnh khó mà hình dung. Quan trọng hơn là những khoản nợ, những tiêu sản (tài sản làm tiêu hao tiền của khi sử dụng) bị che giấu, những tài sản được thổi phồng, hay giấy phép không rõ ràng… Chưa nói đến việc bán xong một DN rồi, người chủ cũ cho bà con thiết lập một công ty tương tự khác để cạnh tranh…

Với những phân tích trên, nhiều chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, việc cổ phần hóa DNNN là không khó, nhưng nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào bản thân các DN có quyết tâm cổ phần hóa hay không.

TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

HDBank là điển hình M&A thành công ngành Ngân hàng

Thứ nhất, sau M&A việc tích hợp nhanh chóng và tự tin thường trở thành chìa khóa để thành công cũng như tạo cơ hội bứt phá trong quá trình hoạt động của ngân hàng. Thứ hai, tầm quan trọng của M&A đối với các DN mong muốn phát triển nhanh là họ có thể tiếp cận với các thị trường mới, công nghệ và nguồn nhân lực mới để duy trì khả năng cạnh tranh, nhất là đối với kế hoạch đẩy mạnh bán lẻ tài chính cá nhân.

Điển hình như trường hợp của HDBank, từ những nền tảng vững chắc đã được tích lũy thời gian qua, năm 2014 HDBank tiếp tục mục tiêu hoạt động hiệu quả, đa năng, cung cấp dịch vụ tốt nhất trong lĩnh vực DN, đầu tư và bán lẻ, phát triển mạng lưới quốc tế. Theo đó, HDBank sẽ chú trọng 4 chương trình hành động cụ thể: tín dụng hiệu quả; vận hành an toàn; đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và kiểm soát chi phí. HDBank sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu: tổng tài sản đạt 104.607 tỷ đồng; huy động đạt 76.000 tỷ đồng; cho vay đạt 53.700 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.028 tỷ đồng; ROA 0,81%; ROE 9,52%...


Quỳnh Chi

thời báo ngân hàng