Ba trở ngại phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ

Ba trở ngại phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ

“Mặc dù dự báo thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đến cuối năm 2014 sẽ đạt quy mô ở mức 43 tỷ USD nhưng để phát huy vai trò trong khu vực thị trường tài chính và trong khu vực thị trường vốn thì cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị phát hành phải khắc phục ngay 3 khiếm khuyết của thị trường”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định.

Điểm đầu tiên được Thứ trưởng Trần Xuân Hà chỉ ra là sản phẩm của thị trường TPCP còn nghèo nàn, chưa đa dạng, cho đến nay chỉ có một công cụ, trái phiếu có kỳ hạn, lãi suất trả hàng năm, đáo hạn 1 lần, các công cụ khác chưa có điều kiện giới thiệu và phát triển. Ngay cả kỳ hạn của trái phiếu cũng chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là loại ngắn hạn, dưới 5 năm. Trong khi đó, nhu cầu của chúng ta mong muốn huy động nguồn lực dài hơn cho đầu tư phát triển và để cân đối NSNN đỡ bị động.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: “Thực tế thị trường trái phiếu đã tạo điều kiện cho Chính phủ huy động được các nguồn lực để bù đắp thiếu hụt NSNN, huy động nguồn lực cho đầu tư và phát triển các dự án, chương trình rất quan trọng của nền kinh tế, như dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Một năm bội chi ngân sách của chúng ta trên dưới 5%, phải nói đến 70-80% nguồn bù đắp thiếu hụt NSNN được sử dụng bằng nguồn vay trong nước, trong đó chủ đạo là TPCP, tín phiếu Kho bạc.

"Bên cạnh đó là trái phiếu Chính quyền địa phương của UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và 2 Ngân hàng Chính sách của Chính phủ là Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng phát triển Việt Nam phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để cân đối nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Từ đó cho thấy, đây là nguồn lực rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu về phát triển của đất nước.”

Điểm thứ hai, cơ quan quản lý đều mong muốn thị trường trái phiếu, nhất là TPCP trở thành chuẩn mực cho thị trường nợ, ở đây đặc biệt là đường cong lãi suất và Bộ Tài chính đã nỗ lực để hình thành nên đường cong này. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, cho đến giờ chưa thể nói là Việt Nam đã có đường cong chuẩn để làm chuẩn mực cho công cụ nợ khác. Và một số cơ sở nhà đầu tư, 80% dư nợ trái phiếu được nắm giữ bởi các Ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm tham gia trên thị trường cũng rất tích cực nhưng quy mô tài chính, năng lực đầu tư thì còn có nhiều hạn chế, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến tính bền vững, phát triển hiệu quả của thị trường trái phiếu.

Một trở ngại cuối cùng mà Thứ trưởng Trần Xuân Hà đưa ra chính là yếu tố kinh tế vĩ mô. Bởi phát triển thị trường trái phiếu không dễ, vì phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế vĩ mô, nhiều nước cũng mong muốn phát triển thị trường trái phiếu nhưng không thành công.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết, Bộ sẽ phối hợp cùng với các cơ quan có liên quan, cũng như các tổ chức phát hành để có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới đây.

Thu Hằng

Hải quan