BIS: Chính sách tiền tệ lỏng tạo "ảo giác" về tính thanh khoản

BIS: Chính sách tiền tệ lỏng tạo "ảo giác" về tính thanh khoản

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới lên tiếng cảnh báo chính sách tiền tệ lỏng của các ngân hàng trung ương đã tạo ra "ảo giác" về tính thanh khoản lâu dài trên thị trường và thúc đẩy hoạt động đầu tư nhiều rủi ro, khiến giá tài sản được đẩy lên.

Nhiều ngân hàng trung ương đã giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục và bơm một lượng lớn tiền vào nền kinh tế với mục tiêu lúc đầu là để ngăn chặn nguy cơ suy thoái trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, và sau này là để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế mới "ốm dậy."

Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục mới và cam kết tung ra một chương trình mua tài sản để bơm tiền vào nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang yếu ớt.

BIS cảnh báo những động thái tương tự như ECB sẽ "kích thích" thị trường tìm đến các khoản đầu tư ngắn hạn, mang tính rủi ro cao, đồng thời có khả năng tạo ra nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản.

Phát biểu với báo giới, Claudio Borio, phụ trách mảng kinh tế và tiền tệ của BIS nhận định, chính sách tiền tệ nói trên sẽ khiến các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm rằng chính sách lãi suất thấp sẽ được duy trì hoặc việc thắt chặt sẽ diễn ra từ từ; thúc giục (các nước) thực hiện chính sách khôn ngoan và lành mạnh, thận trọng khi tham gia thị trường.

Thống kê của BIS cho thấy trong quý 1 năm nay, giá trị các khoản cho vay (xuyên biên giới) của các ngân hàng toàn cầu tăng thêm 580 tỷ USD, ghi dấu một quý tăng mạnh đầu tiên kể từ cuối năm 2011.

BIS được coi là "ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương" trên thế giới. BIS có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính.

BIS được thành lập năm 1930 theo Hiệp ước Hague và có trụ sở chính tại Basel, Thụy Sĩ.

Trà My

Vietnam+