CDO, tại sao không?

CDO, tại sao không?

Công cụ phái sinh tín dụng CDO phải chăng là giải pháp cho bài toán nợ xấu?

Trước thách thức nợ xấu đang diễn ra trên toàn thị trường, nhiều giải pháp đã được triển khai, điển hình như việc thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp DATC và Công ty quản lý tài sản VAMC. Tuy nhiên, 2 công ty này không phải là "nồi cơm Thạch Sanh" với nguồn vốn vô tận để có thể dang tay cứu tất cả các doanh nghiệp đang gặp vấn đề về cấu trúc tài chính. Trong trường hợp này, một vài giải pháp mới cần được cân nhắc và xem xét đưa vào sử dụng, đơn cử như công cụ phái sinh tín dụng CDO.

Nghĩa vụ nợ thế chấp CDO (Collateralized Debt Obligation) có thể hiểu là một loại giấy tờ có giá với tỉ lệ chi trả cố định cho người mua, được phát hành trên cơ sở tài sản đảm bảo là một danh mục bao gồm các tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay. Từ một danh mục các tài sản rủi ro, CDO sẽ được phát hành thành nhiều phân loại có rủi ro khác nhau và hiển nhiên, lãi suất sẽ tỉ lệ nghịch với mức độ rủi ro.

Ví dụ, Ngân hàng Goldman Sachs, sau khi ký hợp đồng cho vay với 15 nhà máy với lãi suất 4%, đã quyết định phát hành CDO dựa trên những khoản vay này để bán lại và từ đó chuyển rủi ro vỡ nợ sang phía người mua. CDO sẽ được phát hành thành 3 loại gồm an toàn, bình thường và rủi ro.

Đối với loại an toàn, mức lãi suất nhà đầu tư nhận được chỉ là 1,5%. Đối với loại bình thường, mức chi trả là 3%. Người mua CDO loại rủi ro sẽ nhận được mức lãi suất 7% như một sự đền bù. Nếu một hoặc nhiều nhà máy lâm vào tình trạng phá sản, số tiền thu hồi từ những khoản vay còn lại sẽ được thanh toán lần lượt theo thứ tự ưu tiên: nhóm an toàn, nhóm bình thường rồi mới đến nhóm rủi ro. Về phần Goldman, ngân hàng này sẽ nhận được chênh lệch 1,5% từ việc phát hành CDO.

Trên thực tế, CDO có thể được phát hành trên cơ sở nhiều loại công cụ nợ. Từ những năm 1990 cho đến năm 2002, quá trình vận hành CDO diễn ra khá trơn tru bởi tài sản đảm bảo đến từ nhiều nguồn đa dạng khác nhau, dẫn đến rủi ro được chia sẻ.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn trên thị trường CDO manh nha từ năm 2003, khi các khoản vay để mua nhà chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đảm bảo của CDO. Lãi suất trên thị trường tại thời điểm đó lại thấp hơn nhiều so với việc đầu tư vào CDO. Cùng với đó là việc xếp hạng không chính xác của một số tổ chức xếp hạng tín dụng lớn như Moody’s và Standard & Poor’s cho các phân loại của CDO. Tất cả những điều này đã khiến thị trường công cụ tài chính nghĩa vụ nợ thế chấp CDO càng trở nên hút hàng hơn bao giờ hết.

Một khi thị trường bất động sản nóng lên quá nhanh, giá nhà đất thay đổi mỗi ngày, CDO lại càng được sử dụng triệt để, tạo thành một vòng tròn khép kín khi người mua nhà vay tiền từ ngân hàng (cả mua tiêu dùng lẫn đầu cơ), tiền từ ngân hàng lại được tài trợ thông qua phát hành CDO, CDO lại được bảo lãnh bằng các khoản vay mua nhà. Đến lúc bong bóng bất động sản bắt đầu vỡ ở một số điểm do giá nhà đã bị đẩy lên quá mức chi trả, rồi sau đó lan nhanh trên toàn thị trường, người mua nhà bỏ chạy trước tình cảnh thị trường bất động sản lao dốc xuống vùng khủng hoảng.

Đó là những gì diễn ra cách đây 7 năm, gây nên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà nơi bắt nguồn là từ Mỹ. Vì muốn tránh một cuộc khủng hoảng tương tự, các nhà hoạch định chính sách đang đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát rủi ro như Hiệp ước Basel III. Các tổ chức tín dụng cũng đã thận trọng hơn với công cụ tài chính này.

Hiện nay, CDO đang dần xuất hiện trở lại trên thị trường tài chính. Đầu năm 2013, Deutsche Bank đã phát hành 8,7 triệu USD giá trị CDO thành 2 loại với lãi suất dao động từ 8-14,6%. Nguồn tin từ Bloomberg cũng cho hay một số công ty như Redwood Trust (Mỹ) đã bắt đầu mở bán CDO có tài sản đảm bảo là bất động sản, giao dịch đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đồng thời, một số sản phẩm kèm theo như bảo hiểm cho CDO đã được hình thành.

Điều đó có nghĩa CDO không phải là một sản phẩm bị lỗi cần phải được loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường. Thực chất, CDO là một công cụ sắc bén đòi hỏi người sử dụng nó phải có nhiều kỹ năng quản lý, kiểm soát rủi ro mới có thể sử dụng nhuần nhuyễn được.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, những ứng dụng của sản phẩm tài chính CDO có thể sẽ là giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu đang được quan tâm. Một thực tế là nhiều công ty báo lỗ không phải bởi vì hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, mà vì khó khăn trong vài năm trở lại đây dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào nợ vay. Hậu quả là việc “tự cắn vào đuôi” khi lãi vay phải trả còn cao hơn cả mức lợi nhuận kiếm được.

Trường hợp của Gỗ Trường Thành (TTF) là một ví dụ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đạt gần 73 tỉ đồng lãi gộp, nhưng sau đó đã phải trả đến gần 82 tỉ đồng chi phí lãi vay. Tháng 6 vừa qua, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp DATC đã ra tay mua lại khoản nợ 543 tỉ đồng từ Vietcombank, cứu Gỗ Trường Thành ra khỏi vũng lầy nợ nần.

Rõ ràng, đối với những công ty tiềm năng nhưng bị gãy cấu trúc tài chính, nếu muốn mua lại nợ để giúp doanh nghiệp vực dậy nhanh chóng hơn mà không cần tham gia vào quản trị hay điều hành thì CDO có thể là một giải pháp khả thi. Bởi lẽ, với tiềm lực có hạn về vốn của DATC (vốn điều lệ chỉ 2.000 tỉ đồng), công ty này sẽ chỉ “cứu” có chọn lọc chứ chưa thực sự tạo được sức lan tỏa lớn. Mở rộng ra, với bài toán nợ xấu của các ngân hàng hiện nay, CDO nên được xem xét và đánh giá sử dụng, cả về phía DATC lẫn các ngân hàng. Với hàng ngàn tỉ đồng luân chuyển mỗi ngày trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, CDO có thể sẽ lại là “chiếc đũa thần”.

Thanh Hà

Nhịp cầu đầu tư