Chuyện nuôi mèo và nắm giữ cổ phiếu của người Mỹ

Chuyện nuôi mèo và nắm giữ cổ phiếu của người Mỹ

Trong khi tỷ lệ hộ gia đình Mỹ trực tiếp nắm giữ cổ phiếu trong năm 2013 đạt chưa tới 14% thì số liệu của Hiệp hội Thú y Mỹ (AVMA) cho thấy có đến 30% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chú mèo.

Bất chấp đà tăng trưởng nóng đến chóng mặt của thị trường chứng khoán Mỹ, người dân nước này vẫn khá thờ ơ với việc góp vốn đầu tư trực tiếp vào các công ty đang được hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế. Theo một thống kê mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tính đến năm 2013, chỉ có 13.8% hộ gia đình Mỹ nắm giữ các cổ phiếu riêng lẻ như Apple hay Microsoft, thấp hơn mức gần 18% trong năm 2007 trước khi thị trường sụp đổ.

Ông Lena Haas, Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận Hưu trí - Đầu tư và Tiết kiệm của E*Trade Financial nhận định: "Sau khi bị thua lỗ nặng trong năm 2007 và 2008, các nhà đầu tư với quy mô danh mục nhỏ càng trở nên thận trọng hơn".

Trong khi tỷ lệ hộ gia đình Mỹ trực tiếp nắm giữ cổ phiếu trong năm 2013 đạt chưa tới 14% thì số liệu của Hiệp hội Thú y Mỹ (AVMA) cho thấy có đến 30% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chú mèo.

Điều đó không hẳn là người Mỹ ít muốn nắm giữ cổ phiếu riêng lẻ hơn vì thậm chí tỷ lệ sở hữu cổ phiếu gián tiếp, bao gồm việc đầu tư thông qua các quỹ tương hỗ và hưu trí cũng như các tài khoản 401(k), cũng đang suy giảm.

Fed cho biết tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trực tiếp và gián tiếp giảm mạnh về mức 48.8% trong năm 2013 từ mức 53.2% trong năm 2007.

Do tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu thấp hơn nên nhiều người Mỹ đã không cảm thấy hào hứng với xu hướng giá lên (bull market) trên thị trường chứng khoán. Theo số liệu của Bespoke Investment Group, xu hướng giá lên này đã chính thức kéo dài được 2,000 ngày vào hôm 30/08, đánh dấu “thị trường giá lên” dài thứ tư kể từ năm 1928 của Phố Wall. Được biết, “thị trường giá lên” được định nghĩa là một đợt phục hồi ít nhất 20% theo sau một đợt sụt giảm cũng với biên độ ít nhất 20%. Hay nói cách khác, đó là sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư sau một giai đoạn sụp đổ đáng sợ.

S&P 500 đã tăng phi mã 200% so với thời điểm chạm đáy vào ngày 09/03/2009 (từ 666 lên 2,011 điểm) khi nguy cơ sụp đổ của hệ thống tài chính được ngăn chặn và nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Điều đó giải thích tại sao Fed lại cho rằng giá trị bình quân cổ phiếu đang nắm giữ đã tăng từ mức 228,300 USD trong năm 2010 lên 269,900 USD trong năm 2013. Như vậy, những ai đã đổ tiền vào thị trường chứng khoán đang trở nên giàu có hơn.

Nguồn: CNN Money

Ai đang đổ thêm tiền vào cổ phiếu?

Một số hộ gia đình khó khăn tại Mỹ có thể đã buộc phải cắt giảm khoản đầu tư vào cổ phiếu để thanh toán các hóa đơn. Fed cho biết tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng thu hẹp trong giai đoạn 2010-2013.

Trái lại, các hộ gia đình có thu nhập cao đang đổ thêm tiền vào cổ phiếu. Báo cáo của Fed cho thấy nhóm các hộ gia đình có thu nhập cao nhất đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu lên 92% từ mức 88% trong năm 2010.

Ông Lena Haas cho biết các khách hàng có danh mục dưới 1 triệu USD của E*Trade đang giảm sở hữu các cổ phiếu riêng lẻ để đổ tiền vào các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Ông nói: “Mọi người đang suy nghĩ về việc đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn hơn và tiếp cận một cách có nguyên tắc thay vì cố gắng trở thành chuyên viên lựa chọn cổ phiếu giỏi nhất”.

Tâm lý thận trọng hơn đó có thể đã trở thành tia hy vọng của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, sự kiện từng khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ hơn 50%.

Ông nói: “Khi nhà đầu tư cố gắng lựa chọn một cổ phiếu riêng lẻ, họ thường rơi vào chu kỳ rất cảm tính. Theo đó, họ mua vào khi giá cổ phiếu tăng và bán ra trong sợ hãi khi giá cổ phiếu giảm”.

Phước Phạm (Theo CNN Money)