DPM: “Lên tiếng” sau 8 tháng bất ngờ giảm mạnh?

DPM: “Lên tiếng” sau 8 tháng bất ngờ giảm mạnh?

Giá cổ phiếu DPM đã sụt giảm mạnh hơn 35% trong 8 tháng đầu năm năm 2014. Tuy vậy, bluechip này đang dần thu hút sự chú ý trở lại của giới đầu tư.

Cổ phiếu TCT Phân Bón & Hóa Chất Dầu Khí - CTCP (HOSE: DPM) luôn là một bluechip được theo dõi sát sao trên thị trường, nhưng đã khiến giới đầu tư bất ngờ khi sụt giảm mạnh đến 35.5% trong giai đoạn từ cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 08.

Kết quả kinh doanh 6T/2014 kém tích cực được xem là yếu tố khiến cho cổ phiếu DPM bi ảnh hưởng. Tuy nhiên, hoạt động bán ròng mạnh của khối ngoại mới được xem là yếu tố tác động chính. Trong giai đoạn từ 20/01 - 11/08/2014, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng đến 971.6 tỷ đồng tại DPM, đây cũng là mã cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên thị trường trong khoảng thời gian này. Việc khối ngoái bán ròng mạnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch của DPM mà còn khiến tâm lý giới đầu tư trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực và đẩy mạnh bán ra.

Giao dịch cổ phiếu DPM từ đầu năm 2014 đến nay (Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/)

Sau giai đoạn khó khăn thì giao dịch tại DPM hiện đã bắt đầu trở lại tích cực khi tăng mạnh 21.4% từ mức 29,000 đồng/cp (11/08) lên 35,200 đồng/cp (08/09).

Sự trở lại ấn tượng của cổ phiếu này có thể bắt nguồn từ:

Khối ngoại đã mua ròng trở lại. Khối ngoại đã bắt đầu mua ròng trở lại DPM trong giai đoạn này với 50.5 tỷ đồng. Tuy lực mua không lớn nhưng đã giúp phần nào giảm bớt e ngại từ giới đầu tư, sau một giai đoạn bán ròng mạnh và kéo dài.

Cổ tức tiền mặt hấp dẫn. Ngày 19/09 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2014 với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm. DPM dự kiến sẽ phải trích khoảng 570 tỷ đồng để chi cổ tức đợt 1/2014 cho cổ đông. Năm 2014, DPM dự kiến chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, còn cổ tức năm 2013 là 50% bằng tiền.

Hấp dẫn từ hoạt động tài chính. Ngày 28/08, DPM đã đăng ký bán hơn 2.5 triệu cổ phiếu PVC. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu PVC đã tăng khá mạnh gần gấp 2.5 lần và đang giao dịch tại 33,500 đồng/cp (10/09). Như vậy, nếu giao dịch thành công, DPM sẽ thu về gần 85 tỷ đồng từ thương vụ này.

Các chỉ số định giá trở lên hấp dẫn. Việc giảm mạnh và liên tục của DPM khiến cho các chỉ số định giá của cổ phiếu này trở lên hấp dẫn hơn và thu hút giới đầu tư. Đặc biệt là khi hoạt động kinh doanh của DPM vẫn duy trì ổn định nhờ thương hiệu và thị trường vững chắc, dòng tiền hấp dẫn so với nhiều công ty trên sàn. Tính đến ngày 10/09, DPM đang giao dịch ở mức P/E là 10.19 lần và P/B là 1.44 lần.

Duy Nam