"Kết buồn" của dự án thép 3 tỉ USD Guang Lian

"Kết buồn" của dự án thép 3 tỉ USD Guang Lian

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan ngày 16-9, ông Võ Tiến Dũng, Phó trưởng ban Ban quản lí khu kinh tế Dung Quất cho biết: Tập đoàn JFE (Nhật Bản) đã chính thức có văn bản báo cáo Chính phủ dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian.

* Nhà máy Guang Lian Dung Quất khởi công năm 2014

Trả lời câu hỏi về "số phận" của dự án thép Guang Lian sau khi JFE từ bỏ kế hoạch đầu tư, ông Võ Tiến Dũng cho biết thêm: Ngày 19-9 này, dự kiến đại diện của nhà đầu tư thép Guang Lian là Tycons và E-United (Đài Loan) sẽ sang làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Sau nhiều năm cấp phép, dự án thép Guang Lian đã không được triển khai như kế hoạch

"Có thể họ sẽ đề nghị giảm quy mô của dự án, song nếu họ không thực hiện dự án thì chúng tôi sẽ xem xét thu hồi dự án này" - ông Dũng nói.

Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được cấp phép từ năm 2006, khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỉ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United (Đài Loan) hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỉ USD.

Đến đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE đã quyết định góp vốn cùng Tập đoàn E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án thép 4,5 tỉ USD này tại Khu kinh tế Dung Quất.

Khi bày tỏ ý định đầu tư vào dự án này, ngoài kiến nghị ưu đãi thuế, JFE còn kiến nghị về các ưu đãi thuế "chưa từng có" như: Ưu đãi thuế áp dụng cho dự án đầu tư trong tương lai và cho các nhà máy phụ trợ; ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho nhà thầu trong nước/nước ngoài tham gia xây dựng, cung ứng thiết bị, máy móc cho dự án nhà máy thép Guang Lian trong giai đoạn xây dựng...

Tháng 7-2013, Báo Hải quan cũng đã đăng tải loạt bài về việc chậm trễ trong việc đầu tư dự án này ở Dung Quất-Quảng Ngãi. Thời điểm đó, JFE đã xin lùi thời gian đầu tư vào dự án này đến tháng 7-2014.

Theo báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 8-2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi tỏ ra tin tưởng vào việc JFE đầu tư đại dự án thép này.

"JFE là tập đoàn sản xuất thép của Nhật Bản lớn thứ hai thế giới, có năng lực, công nghệ, kĩ thuật và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ống thép. Cho nên việc hợp tác cùng Tycoons (Đài Loan) để triển khai dự án tại Khu kinh tế Dung Quất là điều kiện vô cùng thuận lợi để Việt Nam có thể tiếp cận được công nghệ sản xuất thép hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới" - theo UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng thời, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, sự tham gia của JFE sẽ tháo gỡ ách tắc hiện nay trong việc triển khai Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, thúc đẩy dự án có thể sớm triển khai, đưa vào vận hành.

Trái ngược với UBND tỉnh Quảng Ngãi, khi nhận định về việc Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản đầu tư vào dự án thép Guang Lian, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam đã cho rằng JFE chưa chắc đã thực hiện dự án này vì những lí do sau: Một là kinh tế thế giới đang suy thoái, khả năng tiêu thụ thép khó khăn; hai là họ thấy ở Việt Nam đã có một dự án thép "khổng lồ" của Fomorsa Đài Loan ở Hà Tĩnh. Họ phải tính toán đến việc cạnh tranh với dự án này.

Ông Nghi cũng đã dự báo: "Khi thấy JFE nhảy vào dự án thép Guang Lian thì tôi thấy mừng, nghĩ rằng họ sẽ thành công. Nhưng giờ tôi thấy việc họ lùi thời gian khởi công dự án đến tháng 7-2014 có thể là một bước để họ rút lui khỏi dự án này".

Như vậy, đến thời điểm này, dự đoán của ông Nguyễn Tiến Nghi đã thành sự thật. Còn số phận đầy long đong của dự án thép tỉ đô Guang Lian vẫn tiếp tục phải chờ.

Lương Bằng

hải quan