Ưu đãi thuế: Con dao 2 lưỡi (?)

Ưu đãi thuế: Con dao 2 lưỡi (?)

Ưu đãi thuế được xem là một trong những công cụ để Việt Nam thu hút đầu tư. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam ngày càng mở nhằm tạo cơ hội cho DN thuận lợi hơn trong các hoạt động đầu tư kinh doanh. Vấn đề làm sao để ưu đãi thuế đến đúng đối tượng thụ hưởng; đúng mục đích; không bị các DN lợi dụng để chiếm đoạt tiền thuế lại đang là thách thức với cơ quan quản lý Thuế.

Trong năm 2014, Việt Nam thực hiện 7 loại thuế ưu đãi cho cộng đồng DN như: Thuế XNK; thuế GTGT; thuế TNDN; thuế Thu nhập cá nhân; thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp; Tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất. Đây được xem là bước đột phá của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mục tiêu của ngành Tài chính là đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế, thủ tục XNK và rút ngắn thời gian kê khai, nộp thuế, thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho DN. Nhưng nhiệm vụ quan trọng khác chính là chống gian lận chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhìn vào kết quả thanh, kiểm tra thuế trong thời gian qua cho thấy tình trạng DN lợi dụng sự ưu đãi, cũng như kẽ hở của chính sách thuế để gian lận, trốn thuế là không hề nhỏ. Tính đến tháng 8-2014, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 33.000 DN, qua đó đã tăng thu được 6.245 tỷ đồng.

Trong đó, cơ quan Thuế các địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 557 DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá; kết quả đã truy thu, truy hoàn và xử phạt là 579,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 25,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.517 tỷ đồng. Nhìn lại năm 2013, ngành Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2.110 DN, đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỷ đồng.

Còn theo kết quả nghiên cứu của tổ chức ActionAid quốc tế mới đây cho thấy, ưu đãi thuế đã có tác động tích cực trong việc khuyến khích và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển. Song, ở mức độ nào đó các DN, đặc biệt là các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn lại dựa vào các yếu tố ưu đãi, biện pháp quản lý thuế chưa hiệu quả để tăng chi phí, giảm lợi nhuận, trốn tránh nghĩa vụ thuế.

"Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc tạo cơ chế ưu đãi thuế hỗ trợ DN, đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát áp dụng ưu đãi thuế. Phải đảm bảo rằng các ưu đãi thuế phải được kiểm toán để xác định rằng khoản đầu tư được cấp ưu đãi thuế đó thực sự được thực hiện hay không; Phối hợp ưu đãi thuế theo luật định với các nhóm ưu đãi thuế của các nước láng giềng để chống lại cạnh tranh thuế..." - tổ chức ActionAid đề xuất.

Mai Ka

hải quan